MỘNG LÀNH – BĂNG THANH


BT

Mộng lành

Bàng hoàng , cổ họng như nghẹn lại , đó là cảm giác diễn tả tâm trạng của tôi , sau hơn ba mươi năm được nghe lại tiếng nói của em …Tiếng nói của em không còn thanh thoát , trong xanh như thời thiếu nữ , nhưng âm sắc đó đã đi vào tâm hồn tôi , trú ngụ trong từng ngóc ngách trong cuộc đời tôi nơi tha phương này .

Nhớ lại thời xa xưa , thời gian của những ngày áo trắng sinh viên trên giảng đường Y Khoa Huế , tôi đã gặp được em . Em không đẹp lộng lẫy , không kiêu sa như những thiếu nữ khuê phòng của xứ Huế , nhưng nét duyên dáng hồn nhiên đã thu hút tôi ngay từ ánh nhìn đầu tiên .

Từ đó , tôi thường hay trộm nhìn em , theo dõi từng bước chân em trên giảng đường , trong khuôn viên đại học , hay khi đi thực tập tại Bệnh Viện . Mặc dù học chung một lớp, nhưng tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để mở miệng nói chuyện cùng em dù chỉ là một câu hỏi vui vơ nào đó . Rồi đến một lúc , tôi thu hết can đảm , mở lời làm quen với em . Em nhìn tôi cười hiền hòa duyên dáng , làm tim tôi muốn nhảy ra khỏi lồng ngực .

Vậy là từ đó ta quen nhau  !!!!!

Ta quen nhau , thương nhau , rồi yêu nhau lúc nào không biết …

Em còn nhớ chăng , những ngày mưa xứ Huế , mưa dai dẳng , mưa buồn thiu , mưa thúi đất thúi đai , nhưng chúng mình có nhau như đôi chim bồ câu , ríu rít bên nhau , không ngại trời mưa lạnh đang thấm vào từng tế bào , từng thớ thịt . Chúng mình thong thả bước bên nhau trên con đường Lê Lợi huyền thoại của thời cắp sách , tôi lặng nghe em tíu tít kể chuyện xưa , chuyện nay , chuyện trên trời dưới đất mà không biết chán .

Em còn nhớ chăng , những ngày hè được nghỉ một giờ học do các Giáo sư bận việc gì đó , chúng mình chở nhau đi ăn chè Cồn . Em khép nép ngồi sau yên xe của tôi , ngập ngừng không dám vòng tay ra trước . Xứ Huế của mình nhỏ như hộp diêm , có chuyện gì là thiên hạ xôn xao bàn tán ngay . Cho nên yêu nhau , mà khi song đôi ngoài đường mình không dám nắm tay nhau , huống chi là vòng tay ôm eo khi ngồi sau yên xe , phải không em . Em e lệ , dấu khuôn mặt sau mái tóc mây dày mượt , thoang thoảng hương bồ kết , làm ngây ngất thằng con trai mới lớn như tôi và mới biết yêu lần đầu .

Em còn nhớ chăng , những quyển sách tôi tặng em , vì em rất thích đọc sách . Tâm hồn em ướt át , lãng mạn như bao nhiêu cô gái Huế khác , nhưng kín đáo , trầm lặng . Em thường hay ôm những quyển sách tôi tặng như ôm vào lòng trọn cả trái tim tôi . Tà áo dài của em tung bay trước gió , nhiều lúc quấn lấy đôi chân tôi như không muốn rời xa . Ta yêu nhau như vậy đó , cứ tưởng rằng chẳng có trở ngại nào ta không thể vượt qua , chẳng có tác động nào có thể chia lìa đôi lứa …..

Vậy mà biến cố 1975 đã làm đảo lộn tất cả cuộc sống của mọi người nói chung và của hai chúng ta nói riêng . Tôi theo gia đình về một phương trời xa thẳm , không kịp nói với em lời giã từ , không kịp hẹn em một ngày sẽ trở về chốn cũ .

Cuộc sống nơi đất khách quê người làm tăng lên trong lòng tôi nỗi cô đơn đến tột cùng . Tôi vội vã lập gia đình với một người phụ nữ vừa quen biết , chỉ mong lấp đầy nỗi trống vắng khủng hoảng trong tôi . Cuộc hôn nhân vội vã , không tình yêu , không có sự tương đồng của hai tâm hồn đã kết thúc nhanh chóng như khi mới bắt đầu . Tôi càng nhớ đến em da diết . Nỗi nhớ tăng theo cấp số nhân với thời gian . Tôi bôn ba kiếm sống , để rồi từng đêm , từng đêm về lại một mình trong cái không gian yên tĩnh của căn phòng nhỏ share lại của một người bạn , tôi nhớ em , nhớ đến điên cuồng . Em có tin rằng , một thằng con trai như tôi , đã nhiều lần bật khóc nức nở một mình trong đêm vắng không em ??? .

Thất bại trong hôn nhân , cuộc sống khó khăn , không thành công trong sự nghiệp làm tôi thu mình lại trong ốc đảo của chính mình . Tôi biết lỗi là do tôi , bởi vì nhiều người thành công và thành danh nơi xứ người , nhưng tôi chẳng biết làm sao hơn . Mọi tin tức về em bịt bùng , vì tôi không liên hệ với ai !!!! Từng đêm , từng đêm , tôi cứ mơ về một nơi xa lắm , với giấc mộng thiên đường . Nơi ấy , em vẫn chờ đợi tôi , vẫn một tình yêu thủy chung son sắt , vì tôi biết em yêu tôi như tôi đã yêu em , và em là người trọng tình nghĩa . Tôi vẫn cứ ôm ấp mộng lành , mà quên rằng thời gian là hữu hạn .

Thời gian vẫn cứ chầm chậm trôi . Tôi vẫn là tôi sau bao nhiêu năm tháng của cuộc đời . Vẫn là một thằng tôi , với nỗi cô đơn dằn vặt , với hình bóng em xuyên suốt mà vẫn loay hoay không thể tìm cách mà thoát ra được .

Rồi tạo hóa trêu ngươi , một người bạn học chung với chúng ta tình cờ tìm thấy tôi . Anh ta tìm đến căn phòng trọ tạm bợ của tôi , và ở với tôi thời gian một tuần lễ . Thời gian không đủ dài , nhưng quá đủ để cho tôi nói lên tâm tư tình cảm của mình mà không còn e ngại , che dấu . Tôi như bắt được một tri kỷ , nên tâm sự hết tất cả . Những câu nói không mạch lạc , những câu chuyện vụn vặt … đủ cho người bạn của chúng ta kết nối lại thành một câu chuyện tình dang dở , ẩn đầy nước mắt . Tôi nói lên nỗi lòng của mình và ước muốn sâu xa là làm sao biết được tin tức của em sau một thời gian dài gần một phần ba thế kỷ …..

Vậy đó , vậy mà người bạn ấy đã tìm thấy em , đã chụp lại hình ảnh của em , và quan trọng nhất là xin được số điện thoại của em .

Tôi mừng như bắt được vàng , cầm trong tay số điện thoại của em , tôi muốn gọi ngay lập tức . Nhưng rồi lại ngần ngại , biết em có còn nhớ đến tôi , nhớ đến mối tình đầu ngọt ngào trong sáng của chúng ta không ?? Tôi lại tự tranh đấu với chính mình , vẫn không dám gọi . Hình ảnh của em do người bạn trao lại cho tôi làm bùng cháy trong tôi miền ký ức tưởng đã vùi chôn , nay khơi gợi bao nhiêu kỷ niệm của một thời đã quá xa vời !!!! Em không khác xưa là mấy , vẫn là em , em của một thời áo trắng Y Khoa Huế , khóe môi , nụ cười , dù thời gian đã ghi nhiều vết tích , nhưng chẳng khó khăn gì để tôi nhận ra em giữa bao nhiêu người khác .

Lần hẹn lần , rồi đến một ngày , tôi phải gọi em . Tiếng nói của em vang vọng từ nửa vòng trái đất làm tim tôi như ngừng đập . Tôi cố ngăn dòng nước mắt , và hình như đầu dây bên kia em cũng không khỏi nghẹn ngào !!

Câu chuyện giữa chúng ta chẳng biết bắt đầu từ đâu , và cũng chẳng biết phải kết thúc như thế nào . Tôi chỉ biết tôi nói , và em nghe , em dạ , vậy mà cuộc điện đàm kéo dài gần hai tiếng đồng hồ . Tôi nghe em nhẹ nhàng hờn trách , trách sao ngày ấy tôi ra đi không lời từ biệt v..v và v..v.. .

Cuôc điện đàm chấm dứt , tôi bàng hoàng …..

Tĩnh tâm lại , tôi kết nối câu chuyện giữa chúng ta , tôi đau lòng biết được một điều là em đã từng chờ đợi tôi một thời gian rất dài , thời gian làm tàn phai hết xuân sắc của một thời thiếu nữ . Sự chờ đợi vô vọng , cộng với áp lực của gia đình , em đã kết hôn ở vào cái tuổi không còn trẻ nữa . Và hiện nay em đang sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác , có chồng , có con , hy sinh tất cả những ước mơ thầm lặng của đời mình để vun đắp một mái ấm gia đình đúng nghĩa .

Còn tôi , tôi đã từng mơ ước hão huyền , mơ ước em vẫn là em của ngày xưa , vẫn chờ đợi tôi . Và tôi sẽ về bên em , sống với em những tháng ngày còn lại của cuộc đời , bù đắp cho em tất cả những gì mà em phải chịu đựng vì lỗi lầm của tôi . Tôi đã mơ hai chúng ta sẽ bước chân trên con đường Lê Lợi ngày xưa để tìm về kỷ niệm . Tôi đã mơ sẽ được em chăm sóc lúc tuổi già bóng xế , và tôi cũng sẽ chăm sóc em , người yêu muôn đời của tôi . Tôi đã mơ về một mái nhà nhỏ , một bữa cơm đạm bạc ấm cúng do chính tay em nấu , và chúng ta cùng thưởng thức với nhau những món ăn quê hương . Tôi đã mơ , mơ nhiều lắm …..

Nhưng thôi , em hãy để cho tôi sống với giấc mộng lành của đời mình . Còn em , hãy gắng sống thật hạnh phúc em nhé !! và hãy tha thứ cho tôi , người đã làm cho em đau khổ một thời gian dài , vì tôi là một người đàn ông không có bản lĩnh đúng nghĩa em ạ !! Chính vì không có bản lĩnh nên tôi đã để lạc mất em trong cuộc đời mình . Mùa xuân trong cuộc đời của tôi đã lạc mất , chỉ còn lại mùa đông với những cái lạnh lẽo đến tê người .

Chẳng biết rồi đây trong những tháng ngày cuối cuộc đời , ta có còn gặp lại nhau không , nhưng sâu thẳm trong lòng tôi vẫn ước mơ em được hạnh phúc , dù hạnh phúc muộn màng .

Còn tôi ………

BS MAI BĂNG THANH  ( Viết theo tâm tình của một người bạn )

Tháng 1 năm 2013

CÁC BÀI VIẾT CŨ CỦA BĂNG THANH TRÊN TRANG YKHOA12.FREEWEB


KÝ ỨC MÙA ĐÔNG

Saigon lại vào mùa Giáng sinh . Tiết trời hơi lành lạnh , khác hẳn với cái nóng thường nhật của thời tiết miền Nam . Báo chí và truyền hình đưa tin những hình ảnh lộng lẫy của đường phố để chuẩn bị  đón chào Giáng Sinh và năm mới . Đèn hoa giăng giăng khắp lối, rực rỡ sắc màu . Thật đẹp …..

Cơn mưa chiều bất chợt ở Saigon vào những ngày cuối tháng 12 làm lòng tôi chùng hẳn lại . Hàng năm vào những ngày này thì trời đã hết mưa . Những cơn gió thoảng qua trong màn mưa , thổi tốc vào nhà làm tôi thoáng rùng mình . Se se lạnh !!! một cảm giác se se lạnh của những ngày mùa đông ở Huế . Trời một màu xám xịt . Mưa làm con người có cảm giác buồn hơn . Tôi lại không phải là nhà văn hay là thi sĩ nên không có những cảm tác để viết lên những áng văn mượt mà , hay những thi ca trác tuyệt cho người đời thưởng thức . Tôi chỉ biết ngồi lặng người , để nỗi buồn vu vơ len lỏi vào tâm hồn .

Nhắm mắt lại , tôi muốn thời gian ngừng trôi , rồi con thuyền ký ức mang tôi trở về ngày xa xưa ấy . Vào lứa tuổi mùa thu của đời người , bước chân đã đặt qua bên kia triền dốc của cuộc sống , con người thường hoài niệm về quá khứ , lảng tránh hiện tại và cũng không muốn nghĩ đến tương lai . Đến một lúc nào đó trong cuộc đời , người ta thấy tuổi trẻ của mình chỉ toàn là ước mơ và nổ lực xây đắp một tương lai mơ hồ , và tuổi già thì luôn luôn hồi tưởng và tiếc nuối một dĩ vãng xa rồi .

Tôi cũng là một mẫu số chung của lứa tuổi “ Gió heo may đã về “ đó . Là một người của khoa học nên tâm hồn tôi khô khan và cứng cỏi . Đối với thế giới văn chương , tôi như một con ốc thu mình trong chiếc vỏ , để cảm giác như mình được bao bọc bởi một chiếc tháp ngà . Nhưng tờ báo NHỚ HUẾ đã trở thành một chiếc cầu nối , giúp tôi truyền tải những ý tưởng mộc mạc giản đơn của một người chưa hề biết cầm bút .

Mắt vẫn nhắm chặt lại , ký ức bồng bềnh trôi . Tôi nghe trong tiềm thức của mình giọng ca mượt mà liêu trai của Khánh Ly : Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ … Ôi!!! Tôi đang đưa mình về Huế , đang cùng bạn bè ngồi trong quán Café Da vàng để nghe nhạc Trịnh Công Sơn da diết , ngấm sâu vào từng thớ thịt , từng tế bào …..

Con đường Lê Lợi vào những ngày mưa ở Huế đẹp nhưng buồn chi lạ . Từng hàng mưa mong manh , đan xen vào nhau như những sợi tơ lóng lánh dệt nên một tấm màn mưa lung linh huyền ảo . Vài chiếc xe vụt qua , tóe nước , rồi không gian lại rơi vào tĩnh lặng . Trên vỉa hè tôi chầm chậm bước đi , dường như không màng đến hiện thực . Tuổi dậy thì của một cô gái Huế  mang nhiều mộng mơ , ước ao cho một tương lai đầy những hào quang và cũng nhiều thi vị cho cuộc sống . Chiếc áo dài trắng thấm nước , dán sát vào người . Tôi run lên trong chiếc áo mưa , nhưng vẫn thích cảm giác  lang thang một mình . Thoát khỏi sự kềm cặp của ba tôi trong chốc lát , vì thường ngày tôi được ba đưa đón đi học , nhưng vào ngày mưa tình cờ ấy , tôi được nghỉ hai tiết sau do Thầy dạy Lý Hóa bị bệnh , nên tôi được một mình lang thang trong mưa .

Thỉnh thoảng có vài chiếc xe đạp lướt qua , rồi những ánh mắt quay lại nhìn . Vang lên tiếng huýt sáo rồi tiếng chọc ghẹo vu vơ : Bé ơi , cho anh đồng hành với nhé .  Tôi mỉm cười bâng quơ , xem như những lời chọc ghẹo đó không dành riêng cho mình .

Chầm chậm bước , từng bước chân đưa tôi đi trên cầu Tràng Tiền , chiếc cầu nổi tiếng của xứ Huế , chiếc cầu đã đi vào thơ ca nhạc họa , là niềm tự hào cho những người con của đất Thần Kinh . Gió lồng lộng , thổi vào người tôi làm tăng thêm cảm giác lạnh lẽo của một ngày Huế vào mùa đông . Những tháng ngày này , tôi đắm mình trong những con toán khô khan , những bài Lý hóa hóc búa , những câu Pháp văn khó nuốt …. để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài Toàn . Ba tôi rất khó tính . Ông chỉ muốn các con học , và phải học thật giỏi thì ông mới hài lòng . Cho nên tuy tôi chỉ là con gái , nhưng ước vọng của ông mong muốn tôi phải trở thành một Bác sĩ . Tôi thì thích mình trở thành một Luật sư tài ba , xinh đẹp , như tôi đã từng ngưỡng mộ một Nữ Luật sư nổi tiếng ở Huế thời bấy giờ . Nhưng tôi không thể làm trái mong muốn của ba tôi . Cho nên tôi phải cắm đầu cắm cổ học , và chỉ biết học mà thôi . Buổi chiều mưa tình cờ hôm ấy cho tôi được thoát ra  , để tâm hồn được tự do đi hoang trong chốc lát , trước khi trở về với cuộc sống thường nhật để làm hài lòng cha mẹ , làm đứa con gái ngoan trong một gia đình lễ giáo của Huế mình .

Sinh nhật tôi rơi vào mùa Giáng sinh nên năm nào tôi cũng đón mừng sinh nhật của mình vào những ngày cả thế giới rộn ràng cho ngày lễ Thánh . Tổ chức sinh nhật chỉ là một bữa ăn “ đặc biệt “ hơn ngày bình thường , do mẹ tôi tổ chức cho gia đình cùng quây quần bên nhau để cả nhà cùng nhớ rằng đó là ngày tôi chào đời . Chì vậy thôi , vì ba tôi nghiêm khắc , không muốn tôi giao du bè bạn nhiều sợ ảnh hưởng đến sự học của tôi .

Thi đậu Tú tài Toàn xong , tôi tiếp tục học nữa để phải thi đậu vào trường Y Khoa theo đúng ước vọng của ba tôi . Ý thức “ Tam tòng “ được mẹ tôi dạy dỗ triệt để , nên trong cuộc sống của tôi , tôi tuyệt đối vâng lời ba . Tôi vào Trường Đại Học Y Khoa Huế như một định mệnh đã an bài cho số phận của mình . Ngày tôi vào trường , một vài cô bạn thân ở trường Đồng Khánh nói nhỏ cùng tôi : Y Khoa là trung tâm tàn phá nhan sắc , mi không biết hay răng mà đâm đầu vào đó rứa . Tôi lại mỉm cười vu vơ !!! Biết nói sao bây giờ ???

Tôi vào trường Y Khoa năm thứ nhất như mang theo một luồng gió mát thổi vào những ngày hè nóng nực , bởi trường Y ít có những bóng hồng . Các anh chị lớp trên nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại , như ngầm nói với tôi rằng , vài năm sau nữa tôi cũng sẽ như các anh , các chị bây giờ . Tôi bước vào trường như một định đề toán học không thể nào thay đổi được . Tôi làm hài lòng ba mẹ , nhất là ba tôi , ông hãnh diện khi có cô con gái đầu lòng sẽ là một Bác sĩ tương lai .

Lên sinh viên rồi , tôi có nhiều ánh mắt dõi trông , nhiều lá thư làm quen gửi đến , nhưng tôi nào dám đón nhận bất cứ tình cảm của ai vì ba tôi nghiêm khắc quá . Tôi rụt rè , đi học rồi đi về nhà , vẫn theo xe ba đưa đón như những ngày còn trung học . Mẹ tôi thương và lo lắng cho con gái , nên mạnh dạn “ cằn nhằn “ ba tôi : Ông mà khó tính như rứa là sau này con gái nó thành mụ cô bà , ở giá suốt đời đó . Ba tôi vẫn không thay đổi quan điểm sống : Để yên cho nó học . Ở giá cũng được chứ bây giờ mà bồ bịch là hết học ngay . Bà cứ yên tâm , nó không lấy chồng được thì ở với tui suốt đời , lo gì cho mệt .

Tôi nghe ba mẹ nói với nhau mà nín lặng , không dám có một ý kiến nào , cho dù trong bụng vẫn muốn đứng về phía mẹ tôi lắm lắm .

Vào trường Y , bài học lý thuyết và thực hành làm tôi bù đầu . Không còn thời gian để mơ mộng hay huyễn hoặc mình . Tôi chỉ biết những bài Sinh lý học khô khan , những bài Sinh hóa đầy những công thức khó nuốt . Lạnh người hơn cả là những bài về cơ thể học . Tôi bắt đầu làm quen với những bộ xương người , làm quen với những cái xác lạnh tanh nằm trong phòng giải phẫu cơ thể học . Tôi dạn dĩ hẳn lên và mất dần nữ tính , mất dần vẻ yểu điệu thục nữ mà tôi cố gắng tạo ra để phù hợp với hoàn cảnh khi bước chân về ngôi trường Đồng Khánh Huế .

Rồi khi lên năm thứ hai , tôi bắt đầu được đi thực tập tại Bệnh Viện . Tiếp xúc với bệnh nhân , tôi mới cảm thông hết tất cả những đau đớn mà người bệnh phải gánh chịu . Quy luật Sinh , Lão , Bệnh , Tử của cuộc đời làm tôi thấy thấm thía hơn . Tôi dịu dàng chăm sóc người bệnh , chịu khó lắng nghe họ than thở , và như vậy , tôi đã chia xẻ với họ rất nhiều . Tôi đón nhận được rất nhiều tình cảm của bệnh nhân , nhờ vậy tôi khá tiến bộ trong lĩnh vực bệnh lý . Cũng rất nhiều mỹ cảm nẩy sinh trong quá trình tiếp xúc của những bệnh nhân với cô sinh viên Y khoa , nên tôi cảm thấy hứng thú hơn và bắt đầu yêu ngành Y mà trước kia tôi không có ý định gắn bó cuộc đời mình vào nghiệp dĩ này .

Cho đến mùa Giáng sinh năm 1974 . Bốn năm học Đại học đã trôi qua . Tôi đang học năm thứ ba Trường Y . Bạn bè cùng trang lứa đã chuẩn bị tốt nghiệp Đại học rồi . Đứa thì ra trường làm Thầy Cô Giáo cấp ba , đứa thì tốt nghiệp Cử nhân Luật …. Riêng tôi còn cặm cụi cắp sách đến trường , vẫn miệt mài học tập trên nỗi đau đớn của những con người để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là trở thành một người Thầy thuốc giỏi để cứu người .

Năm thứ ba  tôi thực tập ở Khoa Sản . Vui biết bao khi đôi bàn tay tôi chào đón những sinh linh bé bỏng vừa mở mắt chào đời . Nhiều sản phụ nói vui : Tôi ước gì con tôi sau này cũng xinh đẹp , thông minh và lanh lợi như cô . Tôi vui lây với niềm vui của họ , quên đi cái mệt nhọc của những đêm trực thức trắng tại Bệnh Viện để làm nhiệm vụ .

Đêm Giáng sinh năm đó trời mưa lành lạnh . Bạn bè của tôi cũng tổ chức đón mừng Giáng sinh với nhiều hình thức và rủ tôi cùng tham dự . Nhưng tôi đã mạnh dạn chối từ tất cả những lời mời hấp dẫn đó để ở nhà , vì tôi chắc chắn một điều rằng , những bữa tiệc Giáng sinh luôn luôn phải về thật khuya , mà điều đó thì tôi không bao giờ được phép . Tôi vào phòng , mở cassette nghe nhạc . Những bài nhạc Trịnh nghe da diết và lãng mạn đến nao lòng . Đang thả hồn theo tiếng nhạc thì tôi nghe tiếng chó sủa . Tôi thầm nghĩ : ai mà đến nhà mình giờ này . Uể oải bước ra cửa , tôi thấy một bóng dáng cao lớn , mặc chiếc áo mưa rộng thùng thình . Mở cửa ra thì tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy anh , một đàn anh học trên tôi ba lớp . Tôi bối rối , nửa muốn mời anh vào nhà chơi , nửa thì sợ ba tôi cằn nhằn … Tôi đang phân vân chưa biết tính sao thì anh mỉm cười nhắc nhở : Bộ T định để anh đứng ngoài trời mưa lạnh hay sao mà không mời anh vào nhà ??

Tôi luống cuống , mở rộng cánh cửa nhà ra và lắp bắp : Xin lỗi anh , mời anh vào , tại anh đến bất ngờ nên T ngạc nhiên quá !!

Anh học trên tôi ba lớp , chúng tôi quen biết nhau ở trường , vì trường Y Khoa tôi theo học rất ít sinh viên . Cả sáu lớp ở trường chưa đến hai trăm người , hơn nữa cùng nhau thực tập tại bệnh viện nên chúng tôi  biết nhau gần hết . Tuy vậy , tôi vẫn không dám đón nhận bất cứ tình cảm của ai , vì ba tôi nghiêm khắc quá . Tôi sợ … Ông luôn luôn nhắc nhở tôi phải học , không được dính dáng đến chuyện tình yêu , mà theo ông đó là điều cấm kỵ nhất . Ông thường xuyên bảo tôi phải làm gương cho các em , rồi khi nào tốt nghiệp , ra trường đi làm rồi thì lúc ấy hãy có người yêu ( Trời ơi !! Lúc tôi tốt nghiệp đi làm thì đã già đanh già đế rồi , làm sao mà có người để ý nữa . Những ý nghĩ này tôi chỉ dám nghĩ thầm kín ở trong lòng , không dám thố lộ cùng ai )

Cho nên hôm ấy anh đến chơi vào đêm Giáng sinh làm tôi vừa ngạc nhiên , vừa sợ hãi . Cùng học trên trường lại là đàn anh , anh thường giúp đỡ tôi trong học tập , chứ chưa bao giờ có ý tán tỉnh tôi . Vì vậy , tôi không hiểu tại sao anh lại biết nhà tôi mà tìm đến ngay vào cái đêm mà mọi người , nhất là nam thanh nữ tú đều tham gia vui chơi trong ngày lễ Thánh .

Vào nhà ngồi vừa ấm chỗ là anh hỏi tôi : Hôm nay T không đi chơi à ?? Noel mà , Huế đẹp lắm , sao T lại ở nhà rứa ??

Tôi mỉm cười : T không thích đi chơi khuya , hơn nữa ba T khó tính lắm , đi chơi về khuya là bị đập chết …

Anh cười xòa …

Thấy trên bàn có quyển Nửa chừng xuân của tác giả Khái Hưng , anh cầm lên rồi nhẹ nhàng hỏi tôi : T thích đọc Tự Lực Văn Đoàn à ??

Tôi trả lời sôi nổi : Dạ , T rất thích . T đọc nhiều lắm anh ạ .

Câu chuyện xoay quanh những tác phẩm văn học nổi tiếng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn làm không khí ấm dần lên , bớt vẻ dè dặt của buổi ban đầu bỡ ngỡ .

Mãi nói chuyện quên mất thời gian , đến lúc nhìn đồng hồ thấy chiếc kim ngắn đã chỉ đến con số 10 , tôi giật mình . Anh nhanh trí thấy được sự lo lắng của tôi nên đứng dậy từ giã  ra về với ánh mắt nhìn lưu luyến . Tôi cúi mặt , hơi thẹn thùng với cái cảm giác lạ lùng ấy .

Tiễn anh về , vừa xoay vào nhà thì thấy mấy đứa em đứng nấp sau cánh cửa cười rúc rích : Ai rứa , bồ chị đó hả ?

Tôi cốc lên đầu tụi nó : Nói tầm bậy tầm bạ không hà …, sao giờ này mà mấy đứa chưa chịu ngủ . Không sợ ba la hả ?…..

Tôi tắt đèn , vào giường nằm và trằn trọc . Đó là đêm đầu tiên trong cuộc đời , tôi có cảm giác khó ngủ .

Ký ức vẫn bồng bềnh trôi , tôi vẫn muốn thời gian ngưng đọng lại , để con thuyền ký ức đưa tôi vào cõi mộng năm xưa , xa lánh tạm thời cuộc sống hiện tại . Không gian quanh tôi thật tĩnh lặng , hình như mưa đã ngừng rơi . Mưa ở Saigon không như những cơn mưa dai dẳng ở Huế , chợt nắng , chợt mưa !! Mưa ở Huế kéo dài từ ngày này qua tháng nọ , như con người Huế thâm trầm , sâu lắng .

Trời Huế những ngày tháng mưa mùa đông mang một màu xám xịt , mặt trời không ló dạng dù vào buổi bình minh , như cô gái Huế e ấp sau tấm màn cửa không dám lộ mặt cho những “ cây si “ chiêm ngưỡng .

Mơ mộng đến thế nào thì cũng đến lúc phải tỉnh mộng . Trở về với thực tại để thấy cuộc đời không chỉ là một giấc mơ . Nhan sắc cố đô rồi đến ngày cũng tàn phai theo màu thời gian . Chỉ còn lại chút dư âm của những tháng ngày đã xa quá là xa …

MAI BĂNG THANH(Tháng 12 năm 2010)

NHỮNG NGÀY THÁNG ĐÃ QUA

Mưa !!! Cơn mưa chiều tháng tám ở Saigon như trút nước . Mây vần vũ , xám xịt cả bầu trời . Không có một tia sáng hy vọng nào cho trời quang mây tạnh . Xen lẫn vào tiếng mưa rơi là những cơn gió thổi ào ào như muốn xô ngã tất cả những chướng ngại vật trên đường đi của gió . Sấm chớp lóe lên . Tiếng sét xé tan bầu không gian . Tôi rùng mình . Chợt lòng xao động nhớ về những cơn mưa ở Huế . Mưa Huế dầm dề từ ngày này qua tháng nọ . Mưa thúi đất thúi đai – như người Huế vẫn than thở về những cơn mưa dai dẳng . Lòng tôi chùng hẳn xuống . Nỗi nhớ nhà , nhớ quê hương bỗng dâng trào thành những giọt mưa trên khóe mắt .

Bần thần , tôi bước vào phòng mở tủ ra , lục tìm những cuốn album của một thời đã xa .

Một tấm ảnh rơi ra . Tôi cầm lên . Trong ảnh là hình một cô thiếu nữ tóc xõa ngang vai , mặc chiếc áo dài trắng , tay cầm chiếc nón bài thơ với dáng vẻ e ấp . Là tôi đó sao ? Tôi đưa mắt nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong chiếc gương treo trên tường . Một phụ nữ luống tuổi , khóe mắt hằn nhiều vết chân chim theo dấu thời gian , mái tóc đã pha màu sương gió . Quá khứ tưởng như đã ngủ yên trong tiềm thức , nay bỗng tuôn tràn về như những dòng thác lũ ….

Ngày ấy , một ngày đã xa xôi lắm , tưởng chừng như tiếng mẹ hay kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa …. Tôi còn nhớ vào năm mười bảy tuổi , lứa tuổi mơ mộng nhất của đời người thiếu nữ , thì ba tôi xin thuyên chuyển công tác về Huế . Sở dĩ ba tôi xin thuyên chuyển về Huế dù công việc của ông đang rất thuận lợi , vì người bác ruột của tôi vừa qua đời . Ngôi nhà Từ Đường do ông nội tôi xây dựng không còn người trông nom .
Mẹ tôi là người ảnh hưởng Nho giáo , nên ý thức Tam Tòng Tứ Đức được bà áp dụng triệt để trong cuộc sống . Từ khi xuất giá , bà đã toàn tâm toàn ý lo cho chồng và gia đình nhà chồng . Bà thương chồng , thương con , lo lắng mọi việc trong gia đình chu đáo , nhưng tất cả mọi quyết định trong nhà đều phải thông qua ý kiến của ba tôi . Và tiếng nói của ông là quyết định sau cùng cho mọi việc .
Vì vậy , dù muốn dù không , cả gia đình tôi thuyên chuyển về Huế như vậy đó . Riêng tôi  phải từ giã bạn bè , từ giã ngôi trường thân quen ở vùng đất đỏ Banmê theo cha về Huế và bước chân vào một ngôi trường mới : Ngôi trường ĐỒNG KHÁNH HUẾ .

Miền ký ức đưa tôi về những tháng ngày đầu tiên bỡ ngỡ đó . Bản tính tôi vốn bộc trực và nghịch ngợm , nên cái thủa ban đầu ấy tôi chưa thể hòa nhập với những người con gái Huế vẫn nổi tiếng là thùy mị , dịu dàng . Chiếc áo dài đồng phục màu thiên thanh của trường Trung học Banmêthuột được thay bằng tà áo dài trắng tinh khiết của trường Đồng Khánh . Tôi trở nên rụt rè trước các bạn cùng lớp và cùng trường . Trong mắt các cô nữ sinh Đồng Khánh tôi là một cô bé học trò tỉnh lẻ , nên thường nhìn tôi bằng ánh mắt diễu cợt . Tôi cắm cúi học , hết giờ lại ra về theo xe hơi của ba tôi đưa đón hàng ngày . May mắn thay , chỉ một tháng sau tôi đã chiếm được cảm tình của quý Thầy Cô nhờ những bài kiểm tra thật xuất sắc . Tôi đón nhận những cái nhìn thiện cảm hơn của các bạn và bắt đầu có những cô bạn tri âm . Tôi dịu dàng hơn , nữ tính hơn để phù hợp với môi trường tôi đang sống hàng ngày .

Ký ức cũng không thể nào phai nhạt với những tháng ngày mưa lũ . Những ngày nước dâng cao , khác hẳn với dòng sông hiền hòa , xanh biếc , êm đềm chảy trong lòng thành phố Huế , nước sông Hương trong những ngày này đục ngầu và có lúc cuồn cuộn chảy như muốn cuốn phăng đi tất cả . Nhưng với tôi , ở vùng cao nguyên vừa về Huế nên lụt đối với tôi rất lạ lẫm . Tôi thích thú mặc áo mưa lội lụt , mặc cho bộ áo dài trắng ướt nhẹp và dính bết vào người . Cũng không thể nào quên được những khi lội lụt , có những anh chàng đi theo xin làm quen . Tôi sợ hãi , không dám nói một lời nào , mặc cho người ta đi theo qua nhiều con đường ngập nước . Đến gần nhà , tôi cũng không dám vào mà cứ đi loanh quanh mãi cho đến lúc người ta chán nản , không đi theo nữa thì tôi mới dám về nhà . Trời cũng vừa sập tối nên khi vào nhà thì tôi gặp ngay ánh mắt lo âu của mẹ . Tôi mỉm cười bâng quơ . Mẹ âu yếm bảo tôi : Lụt lội mà đi mô cho khổ ri con ?? Mau thay đồ kẻo nước lụt lạm vào người thì đau thêm khổ con ơi !

Rồi tiềm thức lại đưa tôi về với những ngày tháng chạp ở Huế . Nhà nhà lo dọn dẹp , vệ sinh , đánh bóng lư đồng …. để chuẩn bị đón mừng xuân mới . Mẹ tôi cũng như những người phụ nữ khác của các gia đình Huế , cũng lo chuẩn bị dưa món , bánh mứt cho ngày Tết . Lợi dụng những ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng chạp , mẹ tôi phơi dưa món . Các thẩu dưa món khi hoàn thành với sắc trắng của củ cải , màu đỏ cam của cà rốt , màu đỏ thẫm của những trái ớt xinh xinh , màu xanh của dưa leo và màu vàng óng của  nước mắm tạo nên một bức tranh ẩm thực thật hài hòa . Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến bánh tét mà ăn với dưa món thì thật tuyệt vời .

Rồi mùi thơm của mứt gừng , mùi thơm của bánh thuẩn dậy lên . Mẹ tôi chỉ vẻ cho tôi từng li từng tí về công việc nội trợ . Bà luôn miệng nói rằng : “ Con gái là phải biết tề gia nội trợ con ạ , nếu không mai mốt về làm dâu người ta mà không nên thân là người ta chửi mẹ không biết dạy dỗ chừ . “ Những lúc mẹ nói như vậy tôi thường cười hì hì rồi chạy vòng ra sau lưng mẹ , dụi đầu vào người mẹ mà nói rằng : Con không thèm lấy chồng mô , ở với mẹ suốt đời rồi đi làm nuôi mẹ thôi , mẹ hí !! Mẹ tôi tát yêu vào má tôi rồi cười cảm động . Hình ảnh mẹ theo tôi suốt cả cuộc đời !!!!

Đến 29 tết là ngày nhà tôi rộn ràng nhất . Từ sáng sớm mẹ cùng chúng tôi đãi đậu xanh và vút nếp đã được ngâm từ đêm trước . Rồi trên cái phản gỗ được dành để mọi người ngã lưng vào những ngày hè nóng nực , được trưng dụng để bày biện đủ thứ : lá dong , lạt tre , nếp , đậu xanh , thịt ba rọi đã ướp đầy đủ gia vị thơm lừng ……Mẹ tôi bắt đầu gói bánh chưng , bánh tét . Tôi là con gái đầu lòng nên cũng phải theo sát mẹ phụ việc nên chẳng bao lâu tôi cũng có thể gói được một đòn bánh tét , dù không đẹp lắm nhưng cũng là một thành quả đáng khích lệ .

Vui nhất là lúc mấy chị em quây quần bên bếp lửa để canh nồi bánh tét . Khi gói bánh , bao giờ mẹ tôi cũng gói thêm vài cái bánh ú bằng lượng nếp , đậu xanh còn thừa lại . Vì vậy những cái bánh ú này thường được vớt ra sớm . Mấy chị em dành nhau ăn , rồi xúm xít chơi đô mi nô , chơi đổ cá ngựa . Tiếng cười đùa vang lên như tiếng pháo nổ dòn tan đêm giao thừa ……

Sáng mồng một Tết , cả mấy chị em tôi đều dậy thật sớm , mặc dù đêm hôm trước thức đón giao thừa thật khuya . Chúng tôi diện áo mới , mang giày mới , tất cả đều mới để đón mừng Xuân .Tôi diện một chiếc áo dài màu vàng nhạt , thay cho chiếc áo dài trắng đồng phục hàng ngày . Tôi ngắm nghía mình trong gương , xoay qua xoay lại nhiều vòng để tự tán thưởng mình trong chiếc áo dài mới . Các em tôi trêu ghẹo :” Bộ năm ni chị có bồ rồi hay sao mà diện dữ rứa hè ? Tụi em mét ba cho coi , ba mà nghe chị có bồ là ba đập liền đó . Ba sẽ nói không lo học mà lo có bồ hi hi …” Mấy chị em vui vẻ cười đùa như để cầu mong cho một năm mới thanh bình , hạnh phúc và gặp nhiều may mắn . Rồi chúng tôi ra sắp hàng chúc Tết ba mẹ , nhận được bao lì xì mà nét mặt đứa nào đứa nấy tươi như hoa nở . Sau đó ba tôi chở cả nhà đi chùa . Đi lễ chùa đầu năm là một tập quán không thể thiếu đối với các gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Huế nói riêng . Tôi theo ba mẹ vào chùa , thành kính quỳ dưới Phật đài lâm râm khấn nguyện : “ Lạy Phật , phù hộ cho gia đình con bình an vô sự , phù hộ cho ba mẹ con nhiều sức khỏe , phù hộ cho tụi con học giỏi …..”Tôi ngập ngừng , một ý nghĩ thầm kín thoáng qua trong đầu , làm tôi nóng bừng cả hai má . Tôi thẹn thùng cúi xuống lạy Phật , cố gắng xua đuổi ý tưởng chợt đến , ý tưởng của một cô gái dậy thì , mơ ước về một bạch mã hoàng tử của đời mình . Tôi len lén nhìn xung quanh như sợ có người biết được ý nghĩ thầm kín đó , nhưng hình như tất cả mọi người trong điện Phật đều lâm râm khấn nguyện một cách rất thành kính để nguyện cầu cho một năm mới an lành , hạnh phúc cho mọi nhà . Tôi bước ra sân chùa , bỗng nghe tiếng thì thầm sau lưng mình : “ Coi tề , cái o con gái mặc áo dài vàng đó dễ thương ghê hí “ Tôi luống cuống , đi vội ra sau chùa tìm ba mẹ và các em, cố gắng che dấu màu hoa đào vừa ửng lên đôi má ….

Rồi ba tôi lại chở cả nhà về Phủ TUY LÝ VƯƠNG để lạy ngoại tổ . Chúng tôi như bầy chim non ríu rít khiến mấy bà dì trong Phủ cũng vui lây …..

Chiều mồng một Tết , cả nhà tôi xúm xít đổ xâm hường . Mỗi lần đổ được Trạng Anh hay Trạng em là chúng tôi lại la hét vang cả nhà . Tôi may mắn đổ được Lục Phú Hường . Ôi chao ! Nói làm sao cho hết cái cảm giác lúc ấy nhỉ . Một cảm giác thật bềnh bồng , hân hoan không thể nào tả xiết được . Các em tôi lại xúm nhau trêu ghẹo tôi : Năm ni chị hên ghê hí , coi chừng có ai theo đuổi đó nghe . Tôi cười hì hì , nhưng nhớ lại cảm giác ở chùa sáng nay , khi có người thì thầm khen ngợi mình sau lưng , tôi chợt cảm thấy hổ thẹn như vừa làm một điều gì không đúng với gia phong lễ giáo của gia đình . Tôi la át mấy đứa em : Đừng nói tầm bậy tầm bạ , ba mà nghe được là không yên thân mô . Trong những ngày xuân , mọi người thường vui vẻ để mong cho một năm mới toàn mỹ hơn . Ba mẹ tôi cũng vậy . Nhìn các con vui đùa ầm ĩ , ba mẹ tôi cười hiền từ . Ôi ! Hạnh phúc thật bình dị .

Ngày mồng hai tết , tôi xin phép ba mẹ đi hội chợ ở Phu Văn Lâu . Hằng năm , mỗi dịp xuân về , ở đây thường tổ chức hội chợ cho mọi người có cơ hội đến vui chơi . Tôi đi cùng mấy cô bạn thân ở trường Đồng Khánh , lăng xăng chạy hết gian hàng này đến gian hàng khác , tíu ta tíu tít như bầy chim non vừa rời tổ . Những gian hàng thủ công mỹ nghệ phô bày ra hết những tinh xảo của những nghệ nhân của các làng nghề . Các trò chơi cũng bày ra , thu hút nhiều khách tham quan và tham gia . Những trò chơi phóng tên, ném vòng , ném vịt … đều rất đông khách . Ai cũng muốn thử may mắn đầu năm .

Mỗi khi có ai ném trúng là đám đông chung quanh lại vỗ tay tán thưởng tạo nên những âm thanh rộn ràng và hưng phấn cho những ngày đầu năm mới . Nhưng vui vẻ và ồn ào nhất vẫn là gian hàng Lô Tô . Tôi còn nhớ vài câu hò của người điều khiển gian hàng này:

Rồi cờ ra con mấy ,

Con mấy gì ra ,

Con bảy gì ra .

Trăng lên xứ Huế ,

Trăng xuống Tiền Giang ,

Trăng vào thành thị ,

Trăng đưa chú Cuội ,

Đi khắp nẻo đường ,

Đường trăng lên gió ,

Có mái tóc thề ,

Đương xõa ngang vai ,

Là con bảy mươi hai ,

BẢY MƯƠI HAI !!!!!……

Ôi !!! biết bao nhiêu là kỷ niệm !!! Những kỷ niệm vàng son theo tôi suốt hơn nửa thế kỷ của đời người . Nước mắt tôi lại ứa ra , rơi xuống tấm ảnh tôi đang cầm trên tay . Lòng xao xuyến về những kỷ niệm thủa thiếu thời làm tôi quyết định : Xuân này tôi sẽ về Huế ăn tết cùng các em , dù song thân tôi nay đã khuất núi . Tôi sẽ về Huế để cùng các em và các cháu sống lại những kỷ niệm của một thời đã xa . Tôi cầm điện thoại lên , điện đến phòng vé máy bay và book vé ….   

Mai Băng Thanh( Tháng 8 năm 2010)

 

NGẪU HỨNG CALI

Tháng tư, trước khi về lại Hoa kỳ, Tuyết Lan một mực khuyến khích tôi qua thăm cô nàng một chuyến. Trời ơi! Làm giống như đi Mỹ dễ lắm hay sao vậy?? Đi Mỹ chứ có phải đi Đà Lạt hay Nha Trang đâu!!!

Nghĩ thì nghĩ như vậy, chứ trong lòng tôi cũng náo nức lắm. Làm sao mà có dịp biết được nơi gọi là “Thiên đường của hạ giới” đồng thời có dịp gặp lại bạn bè cũ của một thời áo trắng Đồng Khánh và Y Khoa Huế. Đây là cơ hội thật hiếm có. Qua Mỹ mà có nơi ăn chốn ở thuận tiện như vậy thì còn gì bằng. Tuyết Lan là người độc thân, nhà cửa lại rất thuận tiện, nên việc tá túc tại nhà Lan trong thời gian du lịch ở Mỹ quả là một điểm son cho ý tưởng khá táo bạo này.

Tôi quyết định tiến hành thủ tục xin visa qua Hoa Kỳ.

Hai cô bạn trong nhóm, biết dự định của tôi nên thích thú hưởng ứng. Tuyết Lan cũng vui vẻ mời hai cô nàng nhập bọn luôn. Như vậy nhiệm vụ của tôi càng nặng nề hơn vì phải lo thủ tục cho cả ba người, thay vì chỉ một mình như dự kiến. Tuy nhiên, đường đi rất dài và rất xa, nếu có bạn đồng hành thì càng hay.

Giấy mời cho cả ba người được gửi về xong là còn biết bao nhiêu điều lo lắng. Nhất là thủ tục phỏng vấn. Hai cô bạn đồng hành rối rít vì lo lắng làm nhiều lúc tôi phải phát cáu lên. Sau đó tôi phải an ủi hai bạn rằng: Nếu phỏng vấn được thì tốn trên ba ngàn USD, còn nếu không đạt chỉ tốn 140 USD (là phí phỏng vấn phải đóng cho tòa Lãnh sự Mỹ ở VN). Vậy là cả ba đứa cùng cười xòa.

Phương Hải là người nhát gan nhất, nên đi phỏng vấn trước. Người còn lại thì nhất định theo tôi, từ khâu chuẩn bị hồ sơ cho đến chọn ngày phỏng vấn. Mấy người bạn trong nhóm biết như vậy nên thường trêu ghẹo tôi: Mi đem theo một cục nợ đời đi Mỹ đó Thanh ơi!!

Ngày Phương Hải phỏng vấn tôi đang ở Huế. Trưa hôm ấy nghe chuông điện thoại reo, tôi không kịp nhìn xem là số máy của ai, vì cảm giác hồi hộp, lo cho Phương Hải, không biết có qua được cửa ải này không nữa. Vừa nghe tiếng tôi a lô là giọng Phương Hải reo vui, và cũng pha một chút tự đắc nữa: Tau đậu rồi. Tôi vui

mừng như trút một gánh nặng. Vì tôi là người lo giấy mời, nên nếu Hải không qua được thì tôi sẽ có cảm giác như vướng một phần trách nhiệm vậy mà.

Rồi cũng đến ngày tôi đi phỏng vấn. Liên Hương đi cùng cứ rối rít, hỏi nhiều chuyện, rồi thắc mắc nhiều chuyện nên tôi cũng lo lắng theo. Chứ với tôi, quan điểm rất nhẹ nhàng, đi chơi thôi mà, phỏng vấn được thì đi, không thì ở nhà, chẳng sao hết (dĩ nhiên là cũng sẽ rất tiếc chi phí phỏng vấn và làm hồ sơ).

Tôi nhường cho cô bạn đồng hành xếp hàng trước để được phỏng vấn trước theo ý của cô ấy. Rồi khi Liên Hương được gọi vào phỏng vấn thì tôi vẫn ngồi trên hàng ghế chờ đợi. Rất đông!!! Những gương mặt với hai thái cực khác hẳn nhau: hớn hở khi đạt kết quả tốt và thất vọng khi bị từ chối lần lượt đi qua trước mắt tôi. Hình như nhiều gương mặt thất vọng quá, làm tôi cũng có cảm giác hồi hộp. Liên Hương đã xong, gương mặt tươi như hoa làm tôi thấy nhẹ nhàng. Khi ấy tôi tự nhủ rằng: hai người mà mình lo giấy tờ đã có kết quả tốt rồi, đến phiên mình nếu không đạt thì cũng được, để đi vào dịp khác. Tự nhủ vậy thôi chứ nếu bị từ chối chắc cũng buồn “hơn năm phút”.

Rồi cũng đến tên tôi được gọi. Tôi có cảm giác trở lại gần bốn mươi năm về trước, khi được gọi tên vào phòng thi vấn đáp.

Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng qua nhanh. Tai tôi ù lên khi nghe câu nói: Chị đã được cấp visa vào Hoa Kỳ. Chúc chị một chuyến du lịch vui vẻ. Tôi cố nở một nụ cười thật tươi để cám ơn nhân viên Tòa Lãnh Sự Hoa kỳ đã phỏng vấn tôi rồi đi như chạy ra trước cửa. Khi vừa nhận lại chiếc điện thoại di động từ văn phòng bảo vệ, việc đầu tiên là tôi gọi về nhà. Giọng chồng tôi pha lẫn chút hồi hộp: Sao rồi?? Tôi nói: Đậu rồi. Chẳng khác nào đi thi!!!

Tuyết Lan thật nhiệt tình. Cả đêm cô nàng trằn trọc không ngủ, canh giờ đến sáng ở Việt Nam là gọi về ngay. Nhưng làm sao có kết quả vào buổi sáng được. Vậy là trưa hôm ấy Tuyết Lan mới biết, vậy là cô nàng gọi về hét lên trong máy điện thoại: Vui quá Băng Thanh ơi!!! Thật là dễ thương.

Đoạn trường khó khăn nhất đã vượt qua rồi. Chúng tôi cùng hân hoan, chia xẻ với nhau về niềm vui trong nhiều ngày sau đó. Phương Hải đôi lúc nói một cách rất ngây ngô rằng: Cứ nghĩ đến ngày tụi mình đi Mỹ mà tau có cảm giác như nằm mơ. Cô bạn ngây thơ này vui mừng nhất trong ba đứa. Nhiều khi nghĩ đến gương mặt hớn hở của Hải mà tôi bật cười một mình.

Rồi tôi lại phải săn tìm vé máy bay giá rẻ cho cả ba người. Rồi chuẩn bị hành lý, quà tặng bạn bè, và rất nhiều thứ linh tinh khác. Nhớ lúc đi mua sắm những vật dụng cá nhân cần thiết, tôi hù dọa hai cô bạn đồng hành: “Nì, tau nói cho mà nghe, lên máy bay ngồi lâu và đông người nhiều khi rest room bị kẹt đó nha. Tụi bây phải mua tã giấy mà mặc đó”. Hai người tròn mắt ngây thơ tin lời tôi nói là sự thật. Hai cô nàng hỏi mua tã giấy thật, làm tôi không nhịn được mà phải phá lên cười ngặt nghẽo. Lúc đó Hải mới biết là bị lừa, nên đỏ mặt lên đấm trên vai tôi thùm thụp: “Khỉ, rứa mà tau cứ nghĩ là mi nói thật.”

Rồi cũng đến ngày lên đường. Bao nhiêu náo nức, bao nhiêu hân hoan rồi cũng đến. Phương Hải qua đón tôi cùng đi, vì đây là lần đầu tiên cô nàng đi xa một mình, nên không yên tâm. Chúng tôi vui đùa chọc ghẹo nhau như những đứa con nít làm anh tài xế taxi đôi lúc phải bật cười.

Đoạn đường bay và chuyển tiếp mất gần 24 giờ đồng hồ. Nhưng niềm vui to lớn quá làm chúng tôi không hề biết mệt mỏi là gì. Ở vào cái tuổi lục tuần mà còn được ngao du sơn thủy như vậy thật là hạnh phúc biết bao nhiêu.

tôi cố nín cười, vì đôi khi nhìn thấy nét mặt có vẻ khá nghiêm trọng của Hải. Thôi kệ, cứ đến đâu hay đến đó!!

Rồi việc gì đến phải đến. Khi trình giấy tờ để xin nhập cảnh, tôi qua trót lọt dễ dàng sau vài câu hỏi đơn giản của anh chàng Hải quan Mỹ. Phương Hải theo sát bên tôi, không trả lời gì được mà cứ ú a ú ớ chỉ về phía tôi đã bước qua cửa nhập cảnh. Anh chàng hải quan Mỹ hiểu ý nên gọi tôi lại. Tôi giật mình, vì nghĩ mình có phạm lỗi gì đâu. Thì ra anh ta gọi tôi quay lại để trả lời những vấn đề của Phương Hải. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ trả lời dùm cái cô bạn đồng hành ngây thơ này. Bây giờ mới thật thấm thía lời các bạn đã nói với tôi trước ngày lên đường.

Ra đến cổng phi trường LAX, nhìn cảnh quan chung quanh mà cũng thầm thán phục, ước ao sao một ngày Việt Nam sánh bước cùng nền văn minh của thế giới. Chờ đợi một lúc vì máy bay đến sớm hơn dự kiến, rồi hình ảnh hai cô bạn thân thương hiện ra: Kim Chi và Tuyết Lan. Chúng tôi reo lên, ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Kim Chi là bạn của tôi nên không biết hai người bạn đồng hành, nhưng cũng tay bắt mặt mừng, xóa tan khoảng cách buổi ban đầu tao ngộ. Nước mắt chảy tràn ra kèm với nụ cười tươi, tôi thì thầm bên tai Tuyết Lan: “Vừa khóc vừa cười ăn mười cục ……. xôi”. Tuyết Lan đấm vào vai tôi thùm thụp. Kim Chi không hiểu chuyện gì cũng toét miệng ra cười. Ôi ! Những người bạn dễ thương của tôi ơi !!!

Tiếng chuông điện thoại của Kim Chi reo lên… Kim Chi nói với tôi: Thầy Thụy gọi. Thầy Thụy là vị giáo sư dạy Pháp văn cho chúng tôi của thời áo trắng Đồng Khánh Huế. Thầy rất thương yêu học trò. Cho nên nghe tin chúng tôi qua, Thầy cũng náo nức muốn gặp những cô học trò cưng, học giỏi nhưng cũng không kém phần lí lắc. Tiếng Thầy nghẹn ngào trong điện thoại: Băng Thanh đó hả con?? Con sắp xếp lên thăm Thầy liền nghe, kẻo Thầy sợ không kịp.

Tôi nghẹn ngào: Dạ, con sẽ lên thăm Thầy ngay, để con nói Kim Chi và Tuyết Lan sắp xếp chở tụi con đi.

Qua lời Kim Chi, tôi biết Thầy vừa trải qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh, cho nên Thầy mong muốn gặp chúng tôi là như vậy đó. Cho nên, dù mới trải qua một cuộc hành trình dài mệt mỏi, nhưng chúng tôi lập tức vạch ra chương trình ngày mai là phải đi San Diego thăm Thầy. Kim Chi nhận phần trách nhiệm chở chúng tôi đi, còn Tuyết Lan phải ở nhà để chuẩn bị cho hành trình đi Las Vegas ngay hôm sau nữa. Đúng là một phụ nữ Huế, chu đáo, tiết kiệm. Lan đi siêu thị, mua sắm tất cả vật dụng cần thiết cho chuyến du lịch ba ngày lên Las Vegas. Chúng tôi tin tưởng Tuyết Lan mọi chuyện, vì cuộc sống của Lan đã phản ảnh rõ ràng một con người chỉnh chu trong mọi chuyện của cuộc sống.

Về đến nhà đã khá khuya, nhưng tôi không hề buồn ngủ. Lan sắp xếp cho hai cô bạn đồng hành của tôi một căn phòng đầy đủ tiện nghi, còn tôi thì Tuyết Lan mời qua ở chung phòng. Nhưng tôi biết Tuyết Lan sống độc thân khá lâu, nên tôi hạn chế việc làm phiền Lan. Tôi nói với Lan tôi sẽ chung phòng cùng hai cô bạn, Lan vui vẻ chấp nhận. Tôi nhường chiếc giường nệm êm ấm cho hai cô bạn, phần tôi, ngủ trên một tấm nệm nhỏ đặt chungphòng. Tôi vẫn có một cảm giác rất dễ chịu, nên nằm xuống nhẹ nhàng ru mình vào giấc ngủ êm đềm không mộng mị.

Hôm sau, mặt chúng tôi tươi tỉnh như hoa nở, và cứ nhìn nhau mỉm cười hoài. Tôi lao ngay vào bếp (phụ nữ Huế mà), lấy thức ăn trong tủ lạnh của Lan ra chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Tuyết Lan gọi thêm Diệu Ái đến cùng ăn cơm. Vừa gắp một con tôm vào chén là Diệu Ái xuýt xoa liên tục: “Thanh ơi, răng mi kho tôm thịt giống mạ tau kho quá, khi mô mi rảnh thì qua nhà tau bày cho tau kho với hí”. Một lời khen tặng không màu mè phù phiếm nhưng cũng làm tôi phồng mũi lên (chắc nhét trái cà chua vào cũng lọt).

Chiều hôm ấy Kim Chi đến đón chúng tôi đi San Diego thăm Thầy Thụy. Đúng là một business woman. Kim Chi bận rộn với chiếc cell phone reo liên tục. Nhưng cảm động thay là Kim Chi sẵn sàng xếp đặt công việc bận rộn để đưa chúng tôi đi. Trên đường đi, Chi nói liên tục, giải thích cho chúng tôi nhiều điều chưa biết về Hoa kỳ. Hai cô nàng đồng hành ngủ gục ở hàng ghế sau, chỉ có mình tôi “tung hứng” với Chi. Những cảm giác phấn khích không làm tôi ngủ được. Tôi mở to hai mắt nhìn về phía hai bên đường, vun vút xe chạy qua chạy lại. Đất nước Hoa kỳ bao la và hùng vĩ quá. Đất đai rộng lớn, mênh mông, nhiều tài nguyên, cho nên cũng dễ hiểu rằng Hoa Kỳ là một đất nước văn minh và giàu có nhất nhì thế giới.

Đến nhà Thầy Thụy, căn nhà nằm trong một khu vực rất đẹp và phong cảnh hữu tình. Thầy chống nạng ra đón chúng tôi làm tôi không cầm được giòng nước mắt. Thầy khóc, trò cũng khóc. Cảm động biết bao giây phút thiêng liêng của tình thầy trò, mà hình như chỉ có thế hệ của chúng tôi còn có được tinh thần Tôn sư Trọng đạo này.

Ríu rít cùng Thầy vì biết bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu tâm tư. Nhưng tôi thầm thán phục Kim Chi, vì miệng nói tay làm của cô nàng. Miệng liếng thoắng nói chuyện, nhưng Kim Chi vẫn dang tay dọn dẹp căn nhà bừa bộn của Thầy vì Thầy sống một mình từ khi Cô ra đi vĩnh viễn vì cơn bạo bệnh. Đúng là mẫu người phụ nữ của thế kỷ 21. Tôi phụ với Kim Chi trong công việc rất phụ nữ và rất đời thường này. Vui vẻ dọn những món ăn có sẵn trong tủ lạnh của Thầy, thầy trò chúng tôi có một bữa ăn thật đáng nhớ trong cuộc hành trình đầy ý nghĩa này.

Lưu luyến chia tay Thầy Thụy, lòng bồi hồi xúc cảm, vì chắc chắn rằng khó có thêm một lần ghé thăm như vậy nữa. Lên xe rồi nhưng nhìn hình bóng Thầy đứng cô đơn lặng lẽ nhìn theo, tôi nghẹn ngào. Chúng tôi im lặng trên đường về… vì hình như ai cũng không muốn mở lời làm tan biến phút giây cảm xúc này.

Về đến nhà thì Tuyết Lan cũng đã chuẩn bị xong xuôi tất cả hành trang cho chuyến đi Las Vegas ba ngày. Từ thức ăn, nước uống và mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống đời thường đều được Lan chuẩn bị chu đáo.Chúng tôi chỉ việc chuẩn bị hành lý cá nhân cho mỗi người. Tôi là người đơn giản nhất nên loáng một cái là xong ngay cái ba lô nhẹ tênh. Hai cô bạn kia còn bận tâm chuẩn bị phải mặc áo quần như thế nào cho phù hợp thời trang. Tôi chỉ mỉm cười nhẹ rồi nằm xuống chiếc nệm nhỏ xíu dành cho tôi ở một góc phòng và êm đềm tự đưa mình vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để chuẩn bị cho một cuộc hành trình đầy thú vị. Xe của đoàn khởi hành rất đúng giờ làm tôi hơi chạnh lòng khi nghĩ đến cách xử dụng thời gian ở Việt Nam.

Hành trình vượt qua hàng trăm cây số qua sa mạc khiến tôi rất thích thú. Căng mắt ra để nhìn cảnh vật hai bên đường, những hình ảnh khá xa lạ trong cuộc sống đời thường của chúng tôi. Không một bóng người mà chỉ toàn hình ảnh những hàng cây trơ trụi. Tôi chợt suy ngẫm đến khả năng sinh tồn của muôn loài, luôn vươn lên thích nghi với cuộc sống dù cuộc sống khắc nghiệt đến dường nào.

Người hướng dẫn viên du lịch là người Hoa nói tiếng Anh khá chuẩn. Ăn mặc quái dị, nhưng màu hồng trên chiếc áo đầm như búp bê của cô ta thu hút tất cả ánh mắt của khách du lịch. Tôi xử dụng chút tiếng Anh bập bẹ của mình để chọc ghẹo cô ấy làm giảm bớt khoảng cách xa lạ.

Tuyết Lan chăm chút cho chúng tôi từ thức ăn cho đến chai nước uống nên chúng tôi chẳng phải lo lắng hay tốn kém quá nhiều cho cuộc đi chơi thú vị này. Tôi vui vẻ cười đùa cùng các bạn, thỉnh thoảng chế ra những chuyện tiếu lâm làm các bạn cười rũ rượi, quên cả cảm giác say xe và cảm giác đường xa diệu vợi.

Đến Las Vegas cũng đã xế chiều. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến nơi này: Đúng là thiên đường của ăn chơi, của những người thừa tiền bạc. Chúng tôi nhận phòng khách sạn xong là vội vàng thay đổi xiêm y để kịp cho chuyến đi tour vòng quanh thành phố giải trí này. Du khách đông nghịt, hàng hàng lớp lớp những tòa nhà cao tầng với biết bao nhiêu ánh đèn màu rực rỡ như quyến rũ, như mời gọi mọi người tham gia vào các trò chơi giải trí. Tôi là người không có máu đỏ đen nên bước chân vào casino chỉ đưa mắt nhìn ngắm cho biết. Tới nơi đây, tôi học thêm một thuật ngữ ĐÓNG TIỀN ĐIỆN. Có nghĩa là bất cứ ai vào đây cũng tham gia vào các trò chơi đỏ đen, mà thông dụng nhất là kéo máy. Và thường thường là thua, cho nên số tiền thua đó gọi là Đóng Tiền Điện. Tuyết Lan và hai cô bạn mỗi người đóng chút xíu tiền điện, chỉ riêng tôi không tốn phí này, mặc cho các bạn khiêu khích, chọc ghẹo tôi là keo kiệt, tôi vẫn nhăn răng cười hì hì, không giận hờn hay mắc mưu các bạn để tham gia cờ bạc.

Thích thú nhất đối với tôi vẫn là chiêm ngưỡng những công trình xây dựng theo nhiều phong cách. Tôi được đến với Paris thu nhỏ, với thành phố Venise lãng mạn với những dòng sông uốn quanh thành phố, với Cesar tái hiện… Tôi thích thú chạy vòng quanh, chụp nhiều tấm hình để lưu lại những khoảnh khắc hiếm có trong đời thường này, vì biết đâu tôi chỉ đến nơi này một lần duy nhất trong cuộc đời mà thôi.

Cả ngày đi mệt mỏi, vậy mà chúng tôi kéo nhau đi chơi đến khuya. Hình như Phương Hải bắt đầu kéo lê chân vì quá mệt. Đến phút giây đó tôi mới cảm nhận hai bắp chân của tôi cũng mỏi nhừ. Chúng tôi leo lên taxi về khách sạn vì không tài nào đi bộ thêm. Về đến phòng là cả ba người lăn ra ngủ như chết, riêng tôi còn cố sức chui vào phòng tắm. Nước ấm làm cơ thể tôi sảng khoái hẳn lên, và tôi chìm vào giấc ngủ ngay sau đó thật êm đềm, mặc cho tiếng ngáy của ai đó.

Sáng hôm sau, chúng tôi ăn điểm tâm tại phòng với thức ăn mà Tuyết Lan chu đáo mang theo. Cũng rất ngon miệng dù chỉ là mì gói với bánh mì nhưng cảm giác ngon lành như cao lương mỹ vị vậy. Tôi trêu đùa với các bạn: Tau cảm thấy ngon ghê lắm vì ít tốn tiền hì hì. Mấy cô bạn phản pháo lại ngay: Nói ra là nghe mùi keo kiệt liền hà. Tôi cười to lên, hơi đâu mà giận hờn vì hình như các bạn ấy nói đúng ghê !!!!

Tiếp tục hành trình, chúng tôi được đưa đến Hoover Dam và Grand Canyon. Tận mắt nhìn thấy cảnh tượng hùng vĩ, một bức họa thiên nhiên thật diệu kỳ, tôi cứ tiếc rằng chồng tôi không đồng hành cùng tôi trong chuyến du lịch thú vị này. Tôi leo trèo, chạy nhảy như những đứa con nít được cha mẹ cho đi chơi công viên. Những cảnh quan thiên nhiên đẹp đến nỗi dù chỉ đến một lần cũng sẽ khó phai mờ trong ký ức. Chúng tôi tíu tít cùng nhau như bầy chim se sẻ, tranh nhau chụp hình ở những góc độ đẹp nhất. Khách du lịch cũng rất đông, thời tiết lại quá đẹp và quá lý tưởng cho một chuyến du lịch tuyệt vời.

Rồi khi rời Las Vegas, trên đường về chúng tôi được đưa vào khu mua sắm. Hai cô bạn đồng hành mê mải sắm sửa, riêng tôi chỉ tìm mua một chiếc áo chemise thật đẹp để làm quà tặng cho ông xã mà thôi. Tôi ít ham thích shopping như đa số phụ nữ, cho nên các bạn đi cùng cứ tha hồ mua sắm, còn tôi kiếm một chỗ ngồi nhìn mọi người qua lại là cảm thấy vui rồi. Khi lên xe, thấy mọi người tay xách nách mang mà tôi thấy buồn cười vì thấy mình khỏe quá, thênh thang quá. Phương Hải mua quá nhiều nên cầu cứu tôi xách dùm. Tôi vừa dang tay đỡ cho bạn nhưng vừa chọc ghẹo làm cô nàng tức ghê lắm nhưng không nói lại được. Tôi bật cười thích thú…

Kế tiếp những ngày rong chơi ở Cali là những party nối tiếp party do bạn bè tổ chức đón chào. Hội ngộ cùng nhau, tưng bừng không sao kể xiết. Bạn bè Đồng Khánh lên chương trình kín mít. Tuyết Lan trở thành một nhân vật rất quan trọng. Ai muốn tổ chức gì đều phải thông qua ý kiến của cô nàng. Trước tiên chúng tôi gặp nhau ở nhà Diệu Vân. Chao ơi!!! biết bao nhiêu khuôn mặt thân thương của một thời áo trắng Đồng Khánh. Những cô bạn học cùng lớp, cùng lứa, hay hơn thua nhau một hai lớp đều tề tựu để gặp gỡ nhau. Những khuôn mặt thân quen của tuổi trăng rằm, một thời đã làm bao nhiêu trái tim của các chàng trai say mê xao xuyến, nay hằn lên nhiều dấu vết thời gian. Những mái tóc ba màu (đen, bạc và nhuộm), những vết chân chim hằn lên khóe mắt, những ánh mắt đục theo màu thời gian, vẫn không làm cho chúng tôi quên đi tình cảm bạn bè của một thời đã xa quá là xa. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng, tủi tủi, thi nhau nói mà không biết có ai nghe được không, dành nhau kể chuyện xưa, chuyện nay… mà không cần để ý thời gian vẫn chầm chậm trôi mà không chờ đợi bất cứ một ai và chờ đợi bất cứ điều gì.

Rồi ngày các anh chị em Y Khoa Huế hội ngộ cùng tôi. Tôi mời theo ba cô bạn Đồng Khánh để khỏi bị bắt nạt (đó là lời anh Vĩnh Chánh nói). Tôi gặp lại hai người bạn cùng khóa là Phan Chánh Đức và Huỳnh Dương Hùng. Nghe nói Hùng ở khá xa nơi họp mặt mà vẫn chịu khó lái xe đến làm tôi cảm động quá. Gặp nhau, ôm choàng lấy nhau, mừng tủi lẫn lộn. Tôi được gặp lại anh Vĩnh Chánh, anh Bửu Phụng và anh Hùng 49 (anh Hùng 49 cùng khóa 9 với chồng tôi) . Một cô bạn đi cùng buột miệng: Em biết anh Vĩnh Chánh vì ngày xưa anh hay ra ra vô vô trường Đồng Khánh. Câu nói ngây thơ làm cả đám Y Khoa Huế chúng tôi cười rũ rượi (các bạn biết là dân Y Khoa nghịch ngợm và hay méo mó lắm rồi mà). Cô bạn lỡ lời cũng chẳng biết vì sao mà chúng tôi cười như vậy, cứ giương đôi mắt nhìn hết người này đến người nọ làm cho tràng cười của chúng tôi không dứt được.

Rồi những món ăn rất Huế được các anh và các bạn ưu ái lựa chọn để mừng ngày họp mặt lần lượt được nhà hàng Royal Banquet dọn ra. Chà! Gặp những tay nội trợ như chúng tôi nên món Hến xúc bánh tráng không được vừa miệng là chúng tôi chê ngay. Các anh chị em Y Khoa Huế hải ngoại không nén được nụ cười: Đúng là mấy mụ Đồng Khánh khó chịu quá!!! Nhưng tôi chân thành nói ngay: Băng Thanh mà làm món hến xúc bánh tráng này là tuyệt vời lắm. Chỉ mong có ngày nào đó các anh và các bạn về VN, Thanh sẽ mời những món ăn Huế do chính tay mình nấu. Bảo đảm quý vị ăn và sẽ quên đường về ngay!!!

Vậy là tôi được một dịp hứa hẹn hấp dẫn: Tham dự Đại Hội Y Khoa Huế hải ngoại. Niềm mơ ước của rất nhiều anh chị em chúng tôi, để có dịp gặp gỡ đồng môn, bạn bè, nhất là được gặp lại nhiều vị Giáo Sư khả kính đã dạy dỗ, truyền đạt kinh nghiệm cho chúng tôi trở thành những người thầy thuốc như hôm nay. Bữa tiệc chấm dứt trong sự lưu luyến của tất cả mọi người tham dự, và vì vậy tiếp nối thêm bên bàn cafe, chúng tôi tiếp tục hàn huyên tâm sự…. những câu chuyện không đầu không đuôi nhưng không muốn dứt.Mấy anh chị em cười nghiêng ngã vì câu nói quên đường về của tôi. Không khí tràn ngập niềm vui, tràn ngập nỗi hân hoan trong lòng tôi. Câu chuyện vu vơ, xoay quanh những kỷ niệm thời khoác áo sinh viên, làm chúng tôi gần gũi nhau hơn, xóa nhòa những khoảng cách tuổi tác. Những đồng môn học sau tôi một vài khóa như Bảo Tiên, Hồ Đăng Thuận… và nhiều người nữa mà tôi không thể nào nhớ hết tên, ân cần nhắc nhớ lại nhiều kỷ niệm buổi giao thời, những ngày chị em chia xẻ với nhau những dĩa cơm ít ỏi  với cá Long Hội (tức là cá lôi họng, nhiều xương quá thì phải lôi họng chứ sao) và canh Toàn quốc (canh chỉ toàn là nước, chỉ vài miếng rau lơ thơ và không thấy miếng thịt nào). Tôi cảm động trước sự chào đón ân cần, nên đứng lên xin phép bày tỏ ít cảm tưởng. Tôi vừa dứt lời là anh Vĩnh Chánh nói ngay: Chà, đại hội Y Khoa Huế hải ngoại năm ni là phải mời cô này qua đây dự đại hội và làm MC với Hùng Lê luôn mới được. Tôi sững sờ và vui mừng đến nỗi không biết phải trả lời sao trước lời đề nghị chân tình và hấp dẫn đó. Tuyết Lan hăng hái góp ý ngay: Chỗ ăn ở của Băng Thanh để Lan lo, còn mấy anh lo vé máy bay cho Băng Thanh thôi. Mấy anh chị em ồ lên vui vẻ: Khó nhất là chỗ ăn ở mà nay có Tuyết Lan lo rồi, chuyện vé máy bay quá dễ đối với tụi này.

Chia tay nhau mà lòng còn nhiều luyến tiếc, nhưng “hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế,” tôi tự nhủ lòng rằng sẽ cố gắng để còn có dịp gặp gỡ những đồng môn đáng kính mến này trong tương lai gần.

Rồi tôi lại được bạn bè của chồng tôi tổ chức một buổi họp mặt để đón chào. Toàn là những khuôn mặt gần như xa lạ với tôi, nhưng tình thân thì lại rất gần. Bạn bè cùng quê hương, bạn bè học chung tiểu học và trung học với chồng tôi đều dành cho tôi rất nhiều hảo cảm. Buổi tiệc do chính tay cô bạn học cùng trường An Lương Đông với chồng tôi đạo diễn. Những món ăn thơm lừng hương vị quê hương và tình nghĩa bạn bè sâu nặng làm tôi cảm động không thốt được nên lời. Mấy anh chị điện thoại về cho chồng tôi, ai cũng dành nhau nói chuyện, làm tôi có cảm giác ngầm hãnh diện với bạn bè cùng đi vì sự đón tiếp chân thành và nồng nhiệt này.  Tôi chạy quanh vườn như một đứa trẻ, đưa tay hái những trái hồng chín mọng ngọt ngào. Những trái lựu lủng lẳng trên cành rất đẹp, cho tôi tạo những góc độ để chụp hình lưu niệm thật nên thơ.

Nụ cười hình như không bao giờ biến mất trên đôi môi, và tôi không hề có cảm giác mệt mỏi. Chỉ khi về đến nhà, buông mình xuống tấm nệm nhỏ xíu đặt ở một góc phòng, tôi mới cảm thấy đôi chân tôi tê cứng và mỏi nhừ. Vậy mà đến ngày hôm sau, tôi vẫn lại tiếp tục hành trình thú vị này như một cô thiếu nữ tuổi đôi mươi tràn đầy nhựa sống, chứ không phải một phụ nữ bước vào tuổi Lão…

Thú vị hơn nữa tôi được đến thành phố New York, một thành phố nổi tiếng của Hoa Kỳ, nhưng cũng nổi tiếng khắp thế giới. Tôi được đứa cháu đưa đi thăm nhiều nơi nổi tiếng như phố Wall, The Peninsula, tượng Nữ Thần Tự Do… Nhưng ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của tôi là 9/11 Memorial. Trong tiềm thức của tôi vẫn rõ mồn một cái ngày xảy ra thảm kịch kinh hoàng 9 tháng 11. Cái ngày cả thế giới hoảng sợ trước tội ác. Nơi xảy ra thảm kịch đó nay đang xây dựng lại. Thầm thán phục trước tinh thần vững mạnh và sự giàu có của đất nước Hoa Kỳ, tôi lại một lần nữa thầm ước ao sao cho có ngày đất nước thân yêu của tôi được sánh ngang hàng với các cường quốc trên thế giới. Có phải chỉ là giấc mơ mà thôi chăng ???

Rồi tôi được ghé thăm Hollywood, phim trường nổi tiếng nhất thế giới. Đi cùng tôi là cô bé Cẩm Nhung, con gái một người bạn. Gọi là cô bé cho thân mật, chứ cô bé ấy cũng xấp xỉ tứ tuần. Nhưng vì còn tôn thờ chủ nghĩa độc thân nên Cẩm Nhung rất trẻ trung. Hai cô cháu đi khắp nơi trong phim trường, dùng máy ảnh cá nhân lưu lại nhiều hình ảnh mà bất cứ ai cũng mơ ước một lần đặt chân đến đây. Tôi còn được chứng kiến nhiều kỷ xảo của phim ảnh. Thật là vui và thật có ý nghĩa cho một chuyến du hành này.

Kế tiếp là những ngày rong chơi cuối trời phiêu lãng ở Cali. Chúng tôi tiếp tục gặp nhau ở nhà Kim Chi, Thu Hương, Anh Ngọc, Minh Tâm, Túy Ngọc, Thanh Yên, Như Thìn… Nhiều nhiều lắm, không thể nào nhớ hết, nhưng mỗi lần họp mặt nhau xong, cảm xúc theo chân tôi về nhà, lâng lâng trong giấc ngủ… không làm sao quên hết được.

Nhớ đến lần đi ăn ở Royal Lưu Phương, tâm hồn: Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò trong chúng tôi trổi dậy. Tôi cùng Túy Ngọc và các bạn trêu ghẹo một thực khách nam, làm anh chàng đó phải quỳ gối dưới chân Thu Hương tặng hoa hồng và mời cô nàng khiêu vũ. Chỉ có vậy thôi mà chúng tôi cười ngặt nghẽo, cười chảy nước mắt cho đến nỗi trên đường về Kim Thư buột miệng nói với chúng tôi rằng: Chưa bao giờ trong cuộc đời Kim Thư có được những phút giây vui như hôm nay. Thế mới biết, tình bạn giữa chúng tôi vô tư, đáng trân quý biết chừng nào… !!!

Tuần cuối cùng ở Hoa Kỳ, tôi lên San Jose theo lời mời của cô bạn thân là Diệu Hiệp. Tôi cũng đi xe đò Hoàng như bao nhiêu cư dân ở Nam Cali. Tôi mau chóng hòa mình vào nhịp sống ở Mỹ, nên thích thú enjoy hết thời gian mình có ở nơi này.

Đến nơi, chúng tôi 3 đứa: Tuyết Lan, Diệu Ái và tôi được Diệu Hiệp và phu quân tiếp đón ân cần . Ngay chiều hôm ấy là bữa tiệc họp mặt Đồng Khánh ở San Jose. Thực khách gồm cả những người bạn của anh Liễn, phu quân của Diệu Hiệp. Tôi được gặp lại biết bao nhiêu khuôn mặt thân quen của một thời đã xa. Câu chuyện xoay quanh không muốn dứt, và tôi lại làm cho các bạn ở San Jose nhiều phen cười nghiêng ngã vì những câu chuyện nghịch ngợm nhưng ý nhị của tôi. Những tràng cười như không muốn dứt. Khi tàn tiệc, chúng tôi lại tụ họp nhau trên phòng ngủ, tâm sự gần cả đêm trắng. Cho đến khi trực nhìn đồng hồ đã gần ba giờ sáng, Diệu Hiệp mới tạm chia tay chúng tôi để ngủ một chút lấy sức cho chuyến đi San Francisco vào ngày mai.

Hôm sau, chúng tôi lại được anh Liễn đích thân lái xe đi San Francisco. Bạn bè cứ xuýt xoa rằng tôi quá may mắn, vì ngày hôm ấy là một ngày rất đẹp, trời nắng và không có sương mù nên cảnh quan hiện rõ mồn một. Cây cầu nổi tiếng Golden Gate hiện ra trong mắt tôi, hùng vĩ và tuyệt đẹp. Và tôi cũng thấy mình quá may mắn so với nhiều người khác, khi được đặt chân đến “Thiên đường.”

Ngày cuối cùng ở San Jose, chúng tôi được bạn bè anh Liễn tiếp đãi bằng một party thân mật ở nhà anh Chương và chị Hồng Anh. Có đến được nơi này, mới thấy được hết sự nhiệt tình và hiếu khách của các anh chị ở đây. Tôi may mắn gặp một người đàn anh là Bs Toàn, khóa 2, phu quân của chị Bích Thọ. Tôi trở thành một nhân vật của đêm hôm ấy, khi được mời phát biểu, được mời tham gia văn nghệ… và Diệu Hiệp còn bắt tôi trổ tài kể chuyện tiếu lâm. Tôi chưa quen kể chuyện hài trước đám đông, nhưng bằng khả năng ứng biến của mình, tôi đã kể một câu chuyện thật ý nhị. Nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của Tịnh Tâm và Diệu Ái (vì hai cô nàng này sợ tôi kể chuyện tiếu lâm thật nên rất căng thẳng) tôi bật cười sung sướng.

Sáng hôm sau Diệu Hiệp tiễn chúng tôi về lại Nam Cali. Khi chia tay, Hiệp vùi mặt vào vai tôi khóc tức tưởi. Tôi không cầm được nước mắt. Buổi chia tay sao mà buồn đến như vậy.

Về đến nơi là chúng tôi lại tất bật cho buổi tiệc chia tay các bạn tối hôm ấy, vì sáng mai, chúng tôi sẽ kết thúc một tháng ngao du sơn thủy ở Hoa kỳ và trở về cuộc sống bình thường. Bữa tiệc chia tay nhiều lưu luyến. Nhờ tài tổ chức của anh Hồ Đăng Hòa, anh Thạnh, Thu Hương và Tuyết Lan… bữa tiệc khá thành công. Bạn bè Đồng Khánh, Y Khoa Huế và cả những người bạn của chồng tôi tham dự khá đông đủ. Cũng nhạc, cũng khiêu vũ, cũng cười nói với nhau nhiều đó, nhưng trong lòng tôi ngổn ngang nhiều điều, nhất là lưu luyến tình bạn tha hương… Tôi phát biểu lời cám ơn đến tất cả mọi người, và hứa hẹn: TÔI SẼ TRỞ LẠI ….

THAY LỜI KẾT:

Lời hứa sẽ trở lại Hoa Kỳ một lần nữa chưa kịp thực hiện, thì mười ngày sau khi về đến VN, tôi phát hiện mang căn bệnh ác tính của thế kỷ: Ung thư ….

Vậy là thay nụ cười bằng nước mắt, nhưng tôi nhận được nhiều sự an ủi, cảm thông, chia xẻ từ khắp mọi miền. Bạn bè ở nơi đây thay nhau thăm hỏi, chăm sóc, bạn bè phương xa thì gửi email, điện thoại… Có những người tôi chưa hề biết mặt cũng chia xẻ niềm đau này với tôi.

Vì vậy, lời hứa viết bài Ngẫu Hứng Cali tôi không thể thực hiện ngay, mà thay vào đó là những bài viết với tiếng kêu xé lòng, với tiếng khóc thổn thức và với những giọt yêu thương. Tôi như hồi sinh lại từ những tình cảm yêu thương đó, và bài Ngẫu Hứng Cali cuối cùng cũng được hoàn thành, để lòng tôi không mang nặng món nợ ân tình từ các anh, các chị và các bạn nữa.

Có thể bài viết không nói hết được những gì tôi muốn nói, nhưng xin các anh, các chị và các bạn hãy xem đây như một món quà Tri Ân tôi gửi đến tất cả mọi người. Xin hãy cầu nguyện cho tôi, nếu sống thì sống vui vẻ, nhưng nếu ra đi, thì ra đi thật bình yên.

Tháng 2 năm 2012

BS MAI BĂNG THANH

 

GIỌNG HUẾ TRÊN ĐẤT NƯỚC HOA ANH ĐÀO

Đi xa mới nhớ quê nhà….. Khi còn ở Việt Nam, dù đang sống tại Sài Gòn, tôi cũng không hình dung rõ ràng được nổi nhớ Huế như thế nào?
Mùa xuân năm nay, như thường lệ, tôi qua Nhật để thăm gia đình con gái. Ở Tokyo đã được hai tháng, thời gian đã quá dài đối với tôi, vì tôi vẩn không thích nghi được cuộc sống ở xứ người. Tôi đã muốn bay về, nhưng vì sắp đến có dịp họp mặt của một nhóm Việt kiều ở Tokyo nên con tôi tha thiết mời tôi ở lại để dự buổi họp mặt này.

Một buổi sáng tháng tư, trời vẫn còn rất lạnh, dù ánh nắng mặt trời rạng rở, tôi đi cùng con gái đến một nhà hàng do một Việt kiều làm chủ. Tại đây, tuy chỉ mới hơn 8 giờ sáng, nhưng nhiều người đã tụ họp lại, đứng tụm 5, tụm 3. Cứ thấy một người khách vào là tất cả chào mời nồng nhiệt, như đã từng quen biết từ lâu. Trong buổi họp mặt ấy, nhiều Việt kiều của nhiều thế hệ, nhiều ngành nghề, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chúng tôi cùng chung một Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng vì chung nhau một tình cảm của người Việt xa xứ.

Biết tôi là người Huế nên ban tổ chức giới thiệu cho tôi một người đồng hương. Anh là người gốc Huế, đi du học từ thập niên 70, sau đó lập gia đình với một phụ nữ Nhật và định cư từ gần 40 năm nay tai Tokyo, nhưng giọng Huế của anh vẫn còn nguyên vẹn, không hề pha tạp những chất giọng khác.
Anh gặp tôi là người đồng hương Huế, anh mừng rở không sao tả xiết và cứ như vậy hàn huyên tâm sự không thể dứt được.
Về phần tôi, một cảm giác thật tuyệt vời! Nơi xứ lạ quê người nghe một người nói giọng Huế, tôi có cảm giác như mình đang thả bộ trên đường Lê Lợi nhìn ngắm sông Hương và tâm tình với một người bạn. Và mặc dù mới gặp anh ấy lần đầu, nhưng tôi vẫn có cảm giác như quen biết đã từ lâu.
Anh hỏi tôi nhiều chuyện về quê nhà mà quên rằng tôi cũng là một người xa Huế, tuy còn sống trên đất mẹ, nhưng vẫn xa Huế đến nghìn trùng.

Hàn huyên tâm sự thì ra anh là em một người bạn của chồng tôi thời đại học, tình bạn do vậy lại càng dể khắng khít thêm. Anh nhớ lại những ngày còn cắp sách đến trường, mang phù hiệu của học sinh Quốc Học, nhớ con đường Lê Lợi rợp ràng tà áo trắng Đồng Khánh, nhớ cầu Trường Tiền, sông Hương, núi Ngự, và nhớ những lần hẹn hò với bạn gái trên đồi Thiên An… Anh nhớ rất nhiều và câu chuyện gần như không muốn dứt.
Đến phần liên hoan văn nghệ, tôi được ban tổ chức mời tham gia vì họ vẫn nghe tiếng con gái Huế vốn có “công dung ngôn hạnh” vẹn toàn (dù bây giờ tôi đã vào tuổi U 60, đã có cháu nội ngoại đầy đủ) Giữa khung cảnh xa lạ ở đất khách quê người, tôi cất giọng hát “Quê hương em nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn …” Tôi cảm động nhìn xuống hội trường, thấy mọi người im phăng phắc lắng nghe, và cảm nhận hình như mình đã hát hay hơn, vì tôi đã hát bằng cả tấm lòng thương nhớ về quê hương, thương nhớ về Huế …
Tiếng vỗ tay vang lên khi tôi vừa dứt tiếng hát, làm tôi sực tỉnh một cơn mơ về với Huế thân yêu của mình.
Buổi họp mặt đầu xuân ở Tokyo được tổ chức vào đúng dịp hoa Anh Đào nở. Nhắc tới mùa xuân ở Nhật là người ta hình dung ra mùa hoa Anh Đào. Cứ hằng năm vào mùa xuân, khoảng từ đầu tháng 3 (ở vùng phía nam nhiệt đới như Okinawa) đến đầu tháng 5 (ở vùng phía bắc lạnh giá như Hokkaido, Aomori) thì hoa Anh Đào nở khắp đường phố, khắp công viên. Riêng ở Tokyo thì vào khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 là hoa Anh Đào nở rộ. Do vậy, nên buổi họp mặt hôm nay được chọn vào thời điểm rực rở sắc hoa Anh Đào. Bên ngoài cửa sổ, là những cánh hoa Anh Đào đang khoe sắc tươi thắm như tô điểm thêm cho khung cảnh ấm cúng tình đồng bào, tình quê hương của những người con Việt xa xứ.

Chiều hôm ấy, chia tay với những người bạn mới, luyến lưu trao đổi nhau địa chỉ và trong lòng ai cũng ghi nhớ một buổi hạnh ngộ thật dịu êm.
Rồi tôi và gia đình con gái ra công viên Shinjuku để ngắm hoa Anh Đào đang nở rộ. Người dân Nhật Bản cứ hằng năm lại mong chờ đến mùa xuân, mùa ấm áp sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Mùa xuân Nhật thật tươi đẹp sắc hoa. Họ thường tụ tập bạn bè, hay những cặp tình nhân, những đôi vợ chồng hoặc từng gia đình cùng nhau đi ngắm hoa. Những nhóm người đó thường mang theo thức ăn, rượu, vừa ngắm hoa, vừa thưởng thức rượu Sakê.
Công viên sạch và đẹp như được trải một thảm cỏ xanh rì, dưới ánh nắng mặt trời rực rở và thời tiết vẫn rất lạnh. Một cơn gió thoảng qua làm xác hoa rơi lả tả như một cơn mưa tuyết tạo cho người thưởng ngoạn một cảm xúc tuyệt vời.
Trong công viên có những hồ nhân tạo, tạo nên cảnh quan Anh Đào soi bóng nước thật đẹp và lộng lẩy. Những “rừng” hoa Anh Đào với ba sắc màu: trắng, hồng và hồng cánh sen như trong cảnh thần tiên.Nhưng sâu thẳm trong lòng tôi, con đường Lê Lợi rợp bóng cây và những tà áo dài như đàn bướm trắng bay lượn thì không có cảnh đẹp nào sánh kịp.
Đang mơ màng với cảm giác lâng lâng còn đọng lại của buổi hạnh ngộ vừa qua thì tôi nghe một giọng Huế còn ngọng nghị

“Ru ri, ru rít, ru răm
Mẹ em buôn quýt ba năm chưa về ….à …ơi ….”

Tôi giật mình ngó quanh, đứa cháu ngoại của tôi đang vỗ về con gấu bông và hát ru như rứa. Tôi ngạc nhiên đến bất ngờ, cháu vừa hơn 3 tuổi nhưng chưa hề nói được tiếng Việt và vì hoàn cảnh, cháu phải đi nhà trẻ từ lúc 5 tháng tuổi, nên không hề biết tiếng Việt.
Vậy mà bây giờ, cháu lại hát ru, dù tiếng hát ru còn ngọng nghịu nhưng rặc âm sắc Huế. Thì ra tiếng hát ru của tôi trong những thời gian ngắn ngủi cận kề bên cháu đã in sâu vào tâm trí non nớt của cháu. Vào lúc này, ngay giữa công viên ở Tokyo, cháu đã hát ru bằng một giọng Huế rất dễ thương.

Tôi bàng hoàng, nhớ Huế đến da diết, lòng nhủ lòng ”Lần này trở về nước, tôi phải về thăm Huế thôi!

Mai Băng Thanh (Tokyo tháng 4 năm 2009)

TUYẾT TRẮNG

Hokkaido một ngày mùa đông !
Tuyết trắng xóa cả một vùng , màu trắng tinh khiết như tà áo dài của các cô nữ sinh ĐỒNG KHÁNH ngày xưa . Cảnh đẹp quá ! Đẹp như giấc mơ thần tiên mà tôi thường tưởng tượng . Trời lạnh cắt da . Tôi trang bị đầy đủ áo coat , găng tay , mũ len mà vẫn run cầm cập . Nhìn bảng dự báo thời tiết ở sân ga , báo nhiệt độ âm 6 độ C . Ánh nắng vẫn chan hòa , vẫn rực rỡ chiếu lên những vùng tuyết  trắng xóa
Hokkaido là một tỉnh ở phía bắc nước Nhật , cách Tokyo hơn một nghìn cây số . Ở đây có đến sáu tháng tuyết phủ . Những tháng còn lại trong năm khí hậu rất mát mẻ và trong lành . Hokkaido nổi tiếng vì có nhiều hải sản tươi ngon và độc đáo , nhưng khá đắt . Sashimi là món ăn truyền thống của Nhật ở Hokkaido ngon hơn bất kỳ nơi nào khác trên đất Nhật . Loại thức ăn làm bằng hải sản tươi sống này rất tuyệt vời , không hề có mùi tanh của cá hay mực , cũng không hề có mùi khai của tôm sống
Hokkaido còn nổi tiếng với một loại dưa lưới , vỏ trái dưa như phủ một bao lưới màu xanh nhạt , ruột màu vàng cam , ăn rất ngon , nhưng quá đắt . Mỗi trái dưa lưới chỉ to bằng một trái bưởi ở Việt nam mà giá đến gần 1 man ( tương đương 100USD )
Hằng năm vào tháng hai dương lịch , ở Hokkaido lại tổ chức Lễ hội Tuyết . Khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới đổ về đây rất đông để tham gia các trò chơi của lễ hội độc đáo này
Tôi đang ngồi ở sân ga . Vợ chồng con gái tôi và đứa cháu ngoại lại chạy loanh quanh để mua sắm đặc sản Hokkaido . Một mình tôi đang ngồi mơ màng chờ đến giờ tàu chạy để đưa  đến phi trường SAPPORO thì tôi có cảm giác như bị nhìn trộm . Ngẩng mặt lên nhìn quanh một vòng , tôi bắt gặp một đôi mắt  đang nhìn tôi đăm đăm , dù đôi mắt ấy đã được che dấu sau cặp kính cận . Bản năng của người phụ nữ làm tôi cảm thấy dè dặt nên cúi mặt xuống và cố ý nhìn ra chỗ khác . Tôi nghe bước chân nhẹ nhàng đến bên cạnh . Tôi nghiêm mặt . Nhưng người đàn ông đang đứng bên cạnh tôi không có ý diễu cợt . Ông ta nói bằng một giọng rất nhẹ bằng tiếng Anh : Xin lỗi , bà có phải là người VIỆT NAM ?? Ở nơi đất nước xa xôi này có người vẫn nhận ra mình là người VIỆT NAM ?? Tôi trút bỏ cảm giác dè dặt ban đầu và trả lời : Dạ đúng vậy . Câu trả lời ngắn gọn của tôi không làm người đàn ông lùi bước mà lại tiếp tục hỏi thêm : Xin lỗi , vậy có phải bà tên là BẢO THY không ?
Tôi đứng phắt dậy, nhìn trân trối vào mắt người đối diện : Phải , nhưng sao ông biết được tên tôi ?
Người đàn ông bấy giờ reo lên mừng rỡ : Tôi là NAM , VĨNH NAM đây . Bảo Thy quên rồi sao ?
Ôi ! Thật tình là cái trí nhớ của tôi không tài nào nhớ được nét mặt người đàn ông đang đứng trước mặt tôi là Vĩnh Nam , một người bạn thủa thiếu thời . Tôi ngượng ngùng thú nhận : Xin lỗi , quả tình là tôi không tài nào nhận ra được . Hơn bốn mươi năm rồi còn gì ……
Nam xin phép ngồi xuống chỗ còn trống bên cạnh tôi và tỏ vẻ cảm thông :
Ừ đúng là hơn bốn mươi năm rồi Thy ạ , nhưng trông Thy ít thay đổi bằng chứng là NAM vẫn nhận ra đó thôi .
Tôi mỉm cười cố che dấu sự ngượng ngùng : Nam nói vậy , chứ từ một cô bé hơn mười tuổi và một bà già gần sáu mươi , thế nào gọi là ít thay đổi ? Đúng là thời gian không chờ đợi một ai , phải không Nam ?
Quá khứ chợt tràn về trong tôi
Thủa ấy , gia đình tôi và gia đình Nam thân nhau như ruột thịt . Ba Nam và ba tôi là bạn học thời tiểu học . Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời , hai người đều lập gia đình rồi tình cờ lại cùng nhau trở về nơi chôn nhau cắt rún làm việc . Cuộc sống nhiều lo toan , nhưng không vì thế làm hai gia đình mất đi tình thân thiết . Tôi và Nam cùng lớn lên trong chiếc nôi tình cảm ấy , nên cũng rất thân với nhau . Hai đứa cùng tuổi nên học cùng lớp . Hai nhà lại ở gần nhau nên hàng ngày trước giờ đi học Nam thường đi bộ qua nhà tôi để được ba tôi lái xe đưa hai đứa đi học . Cũng có khi ba Nam chở Nam qua nhà tôi rồi ông chở hai đứa trên chiếc xe mobylet cũ kỹ của ông đưa hai đứa đến trường .
Những ngày cuối tuần , hai gia đình thường tổ chức picnic cùng nhau . Có khi là một buổi cắm trại trên đồi Thiên An , cũng có khi là những buổi dạo chơi trong lăng TỰ ĐỨC . Những ngày hè nóng nảy thì hai gia đình cùng về biển Thuận An để hứng gió biển , hầu xóa tan bớt cái nóng gay gắt của những ngày hè xứ HUẾ
Tuổi thơ ngây của chúng tôi đã được vun trồng như vậy . Tính Nam hiền lành như con gái nên khi đi học chung , tôi thường tỏ ra là đàn chị để bảo vệ Nam khỏi những trò đùa tinh quái của bạn bè . Tuổi thơ không có khái niệm về giới tính nên cũng có khi tôi chơi những trò chơi của con trai như đá banh hay đá cầu , ngược lại Nam cũng có thể cùng tôi chơi búp bê hay chơi ô quan , banh chuyền là những trò chơi của con gái . Cứ như vậy chúng tôi lớn lên cùng nhau trong chiếc nôi của gia đình , trong hơi ấm của quê hương
Lên cấp hai thì hai đứa không học chung trường nữa . Tôi thi đậu vào trường Nữ Trung học ĐỒNG KHÁNH , còn Nam thì vào học Nguyễn Tri Phương . Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi . Tình bạn của chúng tôi vẫn không thay đổi , nhưng chúng tôi ít có dịp gần gũi nhau hơn . Một lẽ vì học khác trường , một lẽ khác vì đã lên cấp hai nên chúng tôi cũng ngại bạn bè trêu ghẹo . Những ngày lễ tết , khi hai gia đình có dịp gặp nhau thì ba Nam thường âu yếm gọi tôi là “ con dâu “ . Tôi vẫn ngây thơ đón nhận tình cảm ấy của ba mẹ Nam , nhưng hình như giữa tôi và Nam không là tình yêu . Tôi vẫn xem Nam như một người bạn , một người thân , nhưng chưa bao giờ có những cảm xúc bất thường giữa nam và nữ . Còn Nam thì tôi nhận thấy Nam săn sóc , chiều chuộng tôi nhiều hơn , nhưng cũng chỉ là như vậy mà thôi ……
Rồi một ngày ba mẹ Nam buồn bã qua nhà tôi báo tin rằng gia đình Nam phải chuyển lên DALAT vì ba Nam chuyển công tác . Nam rụt rè đứng sau ba mẹ với đôi mắt thật buồn . Sau đó hai đứa rủ nhau ra sau hiên nhà . Tôi vui vẻ liếng thoắng :
_ Thích ghê hí ! Rứa là Nam được đi Dalat ở rồi . Khi mô Thy lớn lên , thi đậu Tú tài thì Thy sẽ xin phép ba mẹ cho Thy đi Dalat chơi . Chắc Dalat đẹp lắm hí , Nam hí
Trái với sự vui vẻ của tôi , Nam với giọng trầm buồn : Nam chỉ thích sống ở HUẾ , thích sống gần Thy mà thôi
Tôi vẫn vô tư :
_ Được đi Dalat là thích ghê lắm !!!! Nam nhớ biên thư cho Thy , kể chuyện Dalat cho Thy nghe với hí .
Và như vậy , chúng tôi xa nhau từ dạo ấy , khi cả hai đứa chưa kịp vào cấp ba , chưa kịp biết làm duyên .
Lúc mới xa Huế , Nam thường xuyên viết thư thăm tôi . Những cánh thư học trò mang nhiều niềm thương nhớ vụng dại , lời văn ngây ngô thưa dần vì tôi bận học , ít trả lời . Rồi một ngày nọ Nam bặt tin hẳn . Tôi cũng không bận tâm nhiều vì phải lo học thi Tú tài . Thời gian bận rộn làm tôi không còn nhớ nhiều đến người bạn thủa thiếu thời . Sau đó tôi thi đậu vào trường Y KHOA HUẾ . Năm thứ ba thời sinh viên , tôi gặp người trong mộng của đời mình . Tôi yêu và may mắn được lập gia đình với người mình yêu . Chồng tôi khác xa Nam , anh cứng rắn , bản lĩnh chứ không yếu mềm , ủy mị như Nam
Cuộc sống trôi qua với nhiều lo toan , nhiều bổn phận với gia đình , với con cái , với gia tộc , họ hàng làm tôi gần như quên hẳn người bạn thân của ngày xưa …. Thỉnh thoảng tôi cũng biết tin về gia đình Nam qua lời kể của ba tôi vì hai ông bạn già vẫn thường xuyên thư từ liên lạc với nhau . Tôi chỉ biết hiện tại Nam đang định cư ở Mỹ và vẫn …. chưa lập gia đình
Rồi hai ông bạn vong niên lần lượt quy tiên nên hai gia đình mất liên lạc với nhau .
Cho đến hôm nay ………
Cuộc gặp lại nhau tình cờ ở một nơi xa lạ làm dấy lên trong tôi tất cả tình cảm thơ ngây của ngày xa xưa ấy mà tôi đã vội quên vì những bộn bề của cuộc sống . Tôi nhìn Nam , ân hận : Nam đi đâu mà về Hokkaido vậy ?
Nam trả lời : _ Nam đi du lịch , dự lễ hội Tuyết ở Hokkaido . Còn Thy ?
Tôi đáp :_ Thy về Hokkaido lần này theo lời mời của bà sui gia Nam ạ . Con gái Thy lập gia đình với một thanh niên người Nhật . Bà sui gia góa chồng sớm , nên hôm nay mời Thy về ăn giỗ đó mà .
Ngồi bên tôi , Nam nhẹ nhàng kể về cuộc đời mình . Nam cũng cho tôi biết ngày xưa khi Nam bặt tin thư với tôi vì Nam thi rớt Tú tài nên Nam mặc cảm
Rồi sau đó lại được tin tôi đậu vào trường Y nên Nam quyết tâm học cho thành tài . Nam dự định sau khi học xong , Nam sẽ về tìm tôi và dành cho tôi một sự ngạc nhiên , nhưng rồi nhiều biến động xảy ra nên Nam không thể đạt được ước nguyện của đời mình . Rồi Nam lại được tin tôi tìm được một bến đỗ bình yên …. Nam hụt hẫng ….
Tôi nhìn Nam cười thông cảm . Rồi Nam mở ví ra , đưa cho tôi một gói nhỏ bọc nylon cẩn thận . Tôi ngạc nhiên nhìn Nam ?? Nam bảo : _ Thy cứ mở ra mà coi
Tôi mở bọc nylon . Một tờ giấy ngã màu vàng ố với nét chữ học trò vụng dại và một tấm ảnh đã úa màu theo thời gian . Tôi cầm tấm ảnh lên xem . Trong ảnh là Nam và một người bạn đang cầm dây quay cho tôi nhảy dây . Tôi mở tờ giấy ra … thì ra đó là lá thư tôi viết cho Nam vào những ngày Nam mới rời xa HUẾ lên Dalat
Cuộc gặp nhau tình cờ nơi đất khách quê người mà Nam vẫn cho tôi xem lá thư và hình ảnh ngày xưa là một bằng chứng hiển nhiên cho tôi biết rằng bao nhiêu năm qua Nam vẫn mang theo nó bên mình
Tôi buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn : “ Nghe ba Nam nói Nam vẫn sống độc thân ? “
Nam trả lời nhẹ như gió thoảng : Bởi vì Nam vẫn chưa thể quên …
Câu trả lời được ngưng nửa chừng ….
Tôi cảm động . Bao nhiêu năm trôi qua , bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc sống mà Nam vẫn còn giữ gìn những kỷ vật của tuổi thơ ngây như thế này sao ?? Cuộc gặp gỡ tình cờ cho tôi thấy Nam trân trọng những kỷ vật đó như thế nào .
Tôi im lặng . Những lời nói lúc bấy giờ gần như vô nghĩa . Nam cũng ngồi im bên cạnh tôi , thời gian và không gian gần như ngưng đọng lại …
Tiếng kêu của đứa cháu ngoại vang lên : Nhại ! Tôi giật mình . Bé đang đứng bên cạnh tôi đưa đôi mắt tò mò nhìn Nam . Vợ chồng con gái tôi cũng chạy đến bên tôi : “ Còn mười phút nữa là tàu khởi hành mẹ ạ “
Tôi giới thiệu với Nam gia đình của tôi . Nam đưa tay ra muốn ôm lấy đứa cháu thân yêu của tôi , nhưng cháu rụt rè lùi lại đứng nép sau lưng tôi . Nam kêu lên : “ Trời ơi ! Sao mà cháu giống đúc hình ảnh của Thy hồi nhỏ vậy ? Nhìn nó mà Nam cứ ngỡ là Thy của ngày xưa “
Nam bắt tay con rể tôi và tự giới thiệu mình với con gái tôi : Cậu là bạn học của mẹ ngày xưa
Con gái tôi lễ phép chào Nam , và cũng nhìn tôi như thầm hỏi . Tôi mỉm cười bâng quơ . Giải thích sao đây cho một câu chuyện dài hơn bốn mươi năm qua ?
Chia tay Nam ở sân ga , bước lên tàu để đến phi trường SAPPORO cho kịp chuyến bay trở về TOKYO , tôi mới chợt nhớ rằng mình đã quên trao đổi địa chỉ với Nam để mời Nam đến thăm gia đình mình ở Saigon khi Nam có dịp về Việt nam . Tôi chợt thấy mình vô duyên chi lạ . Và ngẫm nghĩ đúng như lời người xưa đã nói :
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Đúng là Nam và tôi vô duyên nên không có cơ hội gặp nhau một lần nữa
Sapporo vẫn trắng xóa một màu của tuyết . Màu trắng tinh khôi như tình bạn của tôi và Nam . Tôi thầm mong Nam sẽ gặp được một nửa của đời mình dù biết rằng đã quá muộn để Nam làm điều đó
Tôi nhủ thầm : Tam biệt Nam nhé . Mong rằng tình bạn giữa chúng ta sẽ đẹp và tinh khiết như tuyết trắng ở đây !

Mai Băng Thanh(Nhật Bản tháng 2 năm 2010)
 

 

 

 

BÀI VIẾT CỦA THẠCH NGUYỄN – TRÊN TRANG YKHOA12.FREEWEB CŨ


LỜI CHÚC ĐẦU XUÂN TỪ NƯỚC MỸ

 Thach N Nguyen, MD

Cuộc đời là một cuộc phiêu lưu

Sau khi học 3 năm nội khoa tại New York, tôi tiếp tục học 2 năm chuyên khoa tim mạch (1987). Kể từ đó ngoài chuyện “đi cày” khoảng 10 giờ một ngày để kiếm sống, tôicòn đi nhiều bệnh viện chung quanh thuyết trình các đề tài tim mạch (để các bác sĩ gia đình biết tôi mà gửi bệnh nhân đến). Năm 1992, tôi được mời đi giảng dạy ở Trung Quốc và sau đó là Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines, Ấn Độ, Hongkong,Việt Nam, Myanmar, Bulgaria, Macedonia và nhiều bệnh viện ở Mỹ. Trong 3 năm gần đây,tôi là thành viên của Ủy ban Quốc tế Trường Môn Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology: ACC), phụ trách các hoạt động ngoài nước Mỹ của ACC, đặc biệt là Châu Á.

Chuyện Hoa du:

Năm 1992, lần đầu tiên Trung Quốc mời tôi giảng dạy và làm biểu diễn tim mạch học can thiệp ở Vũ Hán và Bắc Kinh, chủ yếu tại Bệnh Viện thực hành Trường Đại học Y Khoa Bắc Kinh (First Teaching Hospital of Beijing university). Năm 1993, sau khi xây dựng thành công và phát triển chương trình tim mạch can thiệp tại BV Chao Yang thuộc Đại học Y Khoa Thủ Đô (Capital University of Medical Sciences) (Bắc Kinh) tôi được trao tặng chức giáo sư danh dự tại đây. Từ đó, BV Hữu nghị Bắc Kinh (1996), Viện Tim Mạch Lão khoa, BV Quân đội Giải phóng Nhân dân TW 301- Bắc Kinh (2005), Đại học Y Khoa Nam Kinh (2005) cũng đã tặng tôi danh hiệu giáo sư danh dự sau khi thành công trong việc nâng cao trình độ tay nghề cho các bác sĩ trẻ về lĩnh vực tim mạch can thiệp. Viện Tim mạch Việt Nam cũng đã trao tặng cho tôi chức danh này (2007). Ngoài việc giảng dạy tại các bệnh viện, năm 1993 tôi cùng giáo sư Dayi Hu (hiện là Trưởng khoa Y của ĐH Tongji, Thượng Hải) tổ chức Hội nghị Quốc tế Tim Mạch mang tên Vạn Lý Trường Thành tại Bắc Kinh (Great Wall International Congress of Cardiology: GW-ICC).

Đây là Hội nghị Tim mạch lớn nhất của Trung Quốc. Tôi được bầu làm chủ tịch Uỷ ban khoa học của Hội nghị này trong nhiều năm. Ngoài ra, tôi còn tham gia việc tổ chức các Hội nghị Tim mạch can thiệp ở ĐH Đông Á, Busan – Hàn quốc.

Nghiệp văn chương: Vào năm 1993, một cuốn sách nhỏ của tôi được xuất bản lần đầu tiên ở Bắc Kinh. Mục đích của cuốn sách là gom các bài thuyết trình tại GW-ICC để cho các bác sĩ tham khảo sau khi đi họp trở về. Từ đó, cuốn sách được mở rộng, nâng cao và mang tên Xử trí các vấn đề Tim mạch học phức tạp tiếp cận theo Y học thực chứng, do Nxb Blackwell (OxfordUK) in. Đến nay sách đó đã được tái bản 3 lần. Sách bán chạy (như tôm đông lạnh) là bởi cách trình bày độc đáo giúp cho các thầy thuốc tim mạch bận

rộn giải quyết được tình trạng quá tải thông tin, và nhờ đó gia tăng chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân.(Eugene Braunwald – giáo sư Y khoa của ĐH Harvard viết trong lời đề tựa) Cuốn sách trình bày rõ ràng những vấn đề rắc rối nhất mà các thầy thuốc tim mạch phải đối mặt, cũng như cung cấp nhiều hướng dẫn hữu ích để xử trí các bệnh theo hiểu biết hiện đại một cách dễ hiểu nhất, mặc dù các vấn đề đề cập đến thì vô cùng học búa (Journal Canadien de Chirurgie – 2003).

Ngoài ra tôi còn đọc và phê bình bản thảo các công trình nghiên cứu xin báo cáo tại các hội nghị GW-ICC, ACC (2005) Transcatheter Therapeutic, TCT (2001-2007) và các bản thảo gửi xin đăng ở các báo: Journal of Interventional Cardiology, American Journal of Cardiology, International Journal of Cardiology, American Journal of Medical Sciences,Journal of Geriatric Cardiology v.v.

Ủy ban quốc tế (UBQT) của ACC: Năm 2008, Hội nghị khoa học thường niên của ACC sẽ được tổ chức ở Chicago với nhiều thành viên mới của ACC đến từ nhiều quốc gia,trong đó có Việt Nam. Một thăm dò năm 2006 của ACC với các thành viên quốc tế cho thấy liệu có đáng đóng tiền hội phí (từ 200 đến 500 USD) để mang danh hiệu hội viên cao cấp của ACC (Fellow of the American College of cardiology: FACC) hay không? Kết quả cho thấy đồng tiền đóng hội phí này quả là xứng đáng để mang danh hội viên cao cấp của ACC, bởi danh hiệu FACC này là biểu tượng của các chuyên gia tim mạch có kiến thức uyên thâm và có kết quả xuất sắc khi điều trị bệnh nhân.

Từ các kết quả của cuộc thăm dò này, năm 2007 ACC đã thiết lập những chiến lược khác nhau nhằm gia tăng số thành viên quốc tế để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới và giữ được vị trí tiên phong hiện tại. Mục tiêu đầu tiên là sự chia sẻ kiến thức một cách bất vụ lợi trong cuộc chiến chống lại bệnh lý tim mạch ở bình diện thế giới, bằng cách nhấn mạnh những biện pháp phòng ngừa như bỏ hút thuốc, kiểm soát huyết áp, phòng ngừa tiểu đường và hạ thấp mức cholesterol bằng tiết thực và thuốc. Mục tiêu kế tiếp, thực tế hơn là kinh doanh các sản phẩm giáo dục Y khoa của ACC nhằm tăng thêm tiền quỹ của ACC.

Tôi đã tham gia nhiều cuộc họp quan trọng để thực hiện thành công hai mục tiêu này.

Nhưng làm thế nào để thành công trong tất cả những công việc trên?

 Cuộc đời là một loạt thách thức.

Là một nhà tim mạch học trong thời đại tin học như bao nhiêu bác sĩ khác, tôi bị “dội bom” liên tục bởi vô số thông tin mới tốt cũng có, mà đầy hoài nghi, khó tin cũng có.

Những nguồn tin này đến từ những tạp chí Y học hàng đầu như Journal of the American College of Cardiology, Circulation, New England Journal of Medicine… cho đến các ấn phẩm miễn phí theo kiểu đọc xong rồi vứt. Vì vậy, làm sao có thể tiếp nhận thông tin mới một cách gạn lọc, áp dụng những kiến thức mới một cách thông minh vào các ca bệnh phức tạp? Rồi hằng ngày “đi cày” tại phòng khám, tại bệnh viện, giảng bài ở trường đại học Y,soạn giáo trình giảng dạy, nghiên cứu, viết sách, đọc, phê bình các bản thảo, tham gia UBQT của ACC và tiếp tục tự học thêm nữa. Ngoài ra còn phải làm ra nhiều tiền nữa. Đó là những thách thức lớn cho tất cả các nhà BS tim mạch Việt Nam và trên thế giới.

Lãnh đạo là làm cho guồng máy chạy nhanh và hữu hiệu hơn: Ba tháng trước đây tại Bắc Kinh tôi gặp giáo sư Anthony DeMaria, tổng biên tập tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) khi đến dự Hội nghị Tim mạch Vạn Lý Trường Thành (GW-ICC). Hằng năm có khoảng 600 công trình nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đựoc báo cáo ở GW-ICC và in trong Clinical Cardiology, một tạp chí hạng nhì ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, uy tín của GW-ICC sẽ tăng lên rất nhiều khi những nghiên cứu của Trung Quốc được đăng trong JACC vì ở Hoa Kỳ và Trung quốc, có một công trình được công bố trên JACC đồng nghĩa với việc lên chức và tăng lương. Đó là lý do vì sao tổng biên tập của JACC được coi như là một ông vua con. Vì thế, trong một buổi nói chuyện riêng, tôi kể giáo sư DeMaria lịch sử của GW-ICC, tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó trong Y giới Trung Quốc và công việc của tôi trong GW-ICC. Giáo sư DeMaria trả lời: “Tôi biết vai trò của ông quan trọng như thế nào trong GW -ICC”. Kết quả của cuộc trao đổi là các công trình nghiên cứu khoa học của Trung Quốc báo cáo ở GW-ICC năm nay sẽ được in trên JACC số tháng 10/2008: Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Y Học Trung Quốc.

Tuy nhiên, tôi không thích câu trả lời của giáo sư DeMaria vì tôi nghĩ lãnh đạo để trở thành quan trọng không phải là việc cốt lõi mà phải xuất phát từ hiệu quả: Năm 2006, giữa ACC và GW-ICC có một số lục đục. Chuyện bắt nguồn từ chuyến đi giảng dạy tại Trung quốc của chủ tich ACC, giáo sư Steve Nissen, Trưởng khoa Tim mạch BV Cleveland. Với tư cách là khách mời của GW – ICC, tất cả các chi phí (80.000 USD) của đoàn thỉnh giảng ACC sẽ do GW-ICC chi trả. Nhưng bên cạnh các buổi giảng dạy ở GW – ICC, giáo sư Nissen còn muốn gặp gỡ các “quan chức” Hội Tim mạch Trung quốc, và đến BV Fuwai, một BV hàng đầu ở Bắc Kinh, nơi mà một tháng trước đó đã tổ chức một hội nghị tim mạch khác cạnh tranh với GW- ICC. Nhiều nhân vật chủ chốt của GW-ICC đã lên tiếng phản đối các cuộc tiếp xúc này với lý do là họ đã trả tiền chuyến bay của giáo sư Nissen và đoàn nên ACC là khách mời riêng của GW-ICC. Lãnh đạo của ACC bối rối,không biết hành xử thế nào nên yêu cầu tôi cho ý kiến. Tôi nói với lãnh đạo ACC là ACC phải giữ nguyên lập trường là các chuyên gia Mỹ có quyền đi bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ ai sau khi chu toàn nhiệm vụ giảng dạy tại GW-ICC. Tôi cũng gọi điện cho các lãnh đạo của GW – ICC để khẳng định quyền tự do gặp gỡ và thảo luận của ACC về những gì liên quan đến công việc của ACC. Tôi cũng lưu ý là họ (các quan chức của GW-ICC) cũng có thể gặp gỡ bất cứ ai, kể cả với Hội Tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology: ESC) hay Hội Tim Hoa Kỳ (American Heart Association: AHA), hai đối thủ cạnh tranh về tầm ảnh hưởng toàn cầu với ACC, ở bất cứ nơi đâu, khi nào, như trong thực tế, giáo sư Dayi Hu và tôi đã đại diện GW-ICC làm việc với lãnh đạo của ESC ở Chicago, năm 2003 ngay trong cuộc Hội thảo khoa học thường niên của ACC. Có thể nói chuyện thẳng thắn và làm cho các quan chức của hai hiệp hội khoa học lớn hiểu và làm việc hài hòa với nhau cũng như có khả năng giải quyết các vấn đề khó là định nghĩa của lãnh đạo. Việc ngồi cố vị trong các buổi lễ lạc, hay được các thầy thuốc trẻ (tại Nhật, Hàn Quốc, v,v,) cúi rạp mình chào chỉ là biểu tượng bề ngoài không quan trọng. Tầm quan trọng của người lãnh đạo thể hiện qua khả năng xúc tiến công việc một cách nhanh chóng hay giải quyết những khó khăn mà người khác không làm đựơc.

Lãnh đạo là cộng tác trong cơ cấu dân chủ, cạnh tranh công khai và bình đẳng:

Với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới, ACC đã liên kết với nhiều hiệp hội tim mạch ở các nước như Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Brazil, Nhật Bản… để tổ chức các cuộc giảng dạy hằng năm. ESC cũng biết rõ những mục tiêu và hoạt động công khai của ACC này. Tuy nhiên, có nhiều điều mà ACC phải rút kinh nghiệm sau những thành công và thất bại ban đầu. Tỷ như làm sao giữ được vị trí trung dung giữa hai Hiệp hội tim mạch lớn đang cạnh tranh với nhau trong cùng một quốc gia như ở Liên đoàn các nhà tim mạch học Italia và Hội Tim mạch học Italia. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Argentina, Ấn độ, hay giữa Trung Quốc và Đài loan. Giải pháp thứ nhất là thành lập một tiểu ban cố vấn Quốc tế cho ACC gồm những chuyên gia tim mạch trên khắp thế giới, giúp ý kiến cho ACC về các hoạt động tại hải ngoại. Giải pháp thứ hai là nhóm lãnh đạo ACC thường xuyên họp với Hội Tim Hoa Kỳ (AHA) – một Hiệp hội tim mạch lớn khác tai Mỹ đang cạnh tranh với ACC hay Hội Tim mạch Châu Âu (ESC) để hợp tác và tránh sự trùng lặp trong nghiên cứu và các hoạt động khoa học khác.

Một vấn đề chủ chốt của ACC ở Châu Âu là làm sao để mở rộng ảnh hưởng qua Đông Âu mà không đụng chạm với ESC dù ACC đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều Hiệp hội tim mạch của các quốc gia Châu Âu ngay trước khi ESC ra đời. Hiện tại, ACC đã nhận được nhiều lời mời thỉnh giảng trong các cuộc họp thường niên của những Hiệp hội tim mạch quốc gia, đặc biệt là từ những nước Đông Âu, vì những quốc gia này cảm thấy họ chỉ là “con nuôi” bị ESC đối xử lạnh nhạt.

Vì sao những quốc gia Đông Âu hay châu Á cảm thấy gần gũi hơn với ACC? Là vì nguyên tắc chủ đạo hay hệ thống giá trị của ACC cũng như của xã hội Mỹ là làm theo năng lực và hưởng theo thành quả đạt được. Đó là một hệ thống công bằng và minh bạch.

Để các thầy thuốc tim mạch quốc tế cảm thấy bình đẳng trong ACC và hãnh diện, gắn bó hơn với ACC, giải pháp thứ ba là ACC lên kế hoạch cho thành lập những phân hội quốc gia. Trong quá khứ, đã có 4 phân hội ở Canada, 1 phân hội ở Mexico. Malaysia cũng đang xúc tiến thành lập Phân hội Quốc tế của ACC tại nước mình. Các phân hội có thể tiến hành các dự án giáo dục, y tế một cách độc lập dưới sự chỉ đạo xa xa từ ACC. Đó là công trình quan trọng của UBQT trong 3 năm qua. Một thành công khác của UBQT là thuyết phục các thành viên cao cấp Mỹ của ACC (US FACCs) rằng các hoạt động bên ngoài nước Mỹ không làm ảnh hưởng tới các hoạt động trong nước mà lại làm tăng thêm tiền quỹ của ACC,do đó các FACC Mỹ sẽ không phàn nàn về các chương trình cho các nước khác (trong nước nào cũng có những người chỉ lo nghĩ đến quyền lợi cá nhân của mình).

Lãnh đạo là dẫn đầu trong đường lối tư duy: Khi cuốn sách tim mạch lâm sàng của tôi được xuất bản, có 2 bài bình luận, một bài là của giáo sư Hector Ventura (Ochsner Clinics, New Orleans) trên tạp chí The Journal of American Medical Association 10/2007 và một bài của giáo sư Gaia de Bouvigny trên tạp chí Recenti Progressi in Medicina 7/2007 (Italia). Cả hai bài đều khen ngợi cuốn sách với những ý tưởng mới, cách trình bày mới.

Trong quan niệm người Mỹ, những ý tưởng mới này rất quan trọng. Một người có thể bán sức lao động chân tay với giá tối thiểu 5 USD/giờ. Ảnh hưởng của người nhân công đó chỉ khu trú trong mảnh vườn, trong công xưởng, hay chỉ trong một phạm vi nhỏ. Nếu biết bán những ý tưởng mới, người đó sẽ có thu nhập cao hơn nhiều và tầm ảnh hưởng rộng hơn. Đó là lý do vì sao phải có ý tưởng mới, lắng nghe những khái niệm mới, đặt nghi vấn làm thế nào để tiến hành công việc được tốt hơn. Mỗi khi tôi ngồi sửa các chương sách, tôi luôn tự hỏi: Có những ý tưởng mới mẻ nào cho người đọc chưa? Mới không phải là do các bác sĩ trẻ không có cơ hội đọc những điều này, mới mẻ ở đây phải là thực sự mới, cơ bản hay có tính đột phá. Ở Mỹ, chìa khóa của thành công là ý tưởng mới của bạn. Nếu không có gì mới, bạn chỉ là người lẹt đẹt theo sau mà thôi !

Điều thú vị là cuốn sách tim mạch học can thiệp của tôi được xếp vào một trong 10 cuốn sách bán chạy nhất kể từ khi nó được xuất bản. Cuốn sách tim mạch lâm sàng của tôi cũng được xếp vào một trong 100 cuốn sách bán chạy đầu bảng trong số 1500 cuốn tim mạch lâm sàng hiện đang bán tại Mỹ. Nhiều người mua cuốn sách này không phải vì cái tên của tôi (có ai biết đến một bác sĩ tim mạch mang họ Nguyễn, ngoài những bệnh nhân của tôi ở thành phố tôi đang làm việc?). Họ mua sách vì nội dung, ý tưởng và cách trình bày đột phá của các tác giả trong đó có đóng góp quan trọng của nhiều thầy thuốc tim mạch Việt Nam. Đó là lý do vì sao giáo sư Gaia de Bouvigny đã gọi cuốn sách này là kim chỉ nam (mũi tên chỉ đường) cho các bác sĩ tim mạch thế giới (Una bussola per il cardiologo in Recenti Progressi in Medicina 7/2007).

 Có ý tưởng mới đã đủ chưa? Có ý tưởng mới và biết cách bán nó thì đã là hay rồi.

Nhưng trước hết phải biết cách tự chứng minh nó đã. Khi điều trị ở BV, tôi luôn nhắc mình phải nhớ đặt câu hỏi (vì không phải khi nào tôi cũng thắc mắc): Làm thế đã đủ chưa? Có cách nào tốt hơn không? Tôi có bỏ sót gì không? Nhưng có một câu hỏi cốt lõi cho những người thấy thuốc nhiều kinh nghiệm là: Tôi phải làm gì một khi đã áp dụng tất cả các khuyến cáo y học, nhưng bệnh nhân vẫn chưa khỏi bệnh? Thế nên, nếu tôi có ý tưởng mới, đây là lúc áp dụng để có kết quả tốt hơn, tất nhiên phải làm một cách an toàn. Nhiều khi, tôi thành công. Đôi lúc, tôi thất bại. Câu hỏi nữa là: Tại sao? Làm thế nào để sửa cái sai? Làm thế nào cho tốt hơn?

Người ngoại quốc muốn học hỏi điều gì ở người Mỹ: 3 năm trước, trong một cuộc họp Ban biên tập tạp chí Tim Mạch Lão Khoa (The Journal of Geriatric Cardiology) tại BV Quân đội TW 301 (Bắc Kinh), giáo sư Shi Wen Wang, đại tướng 3 sao của Quân Y Quân đội Giải phóng quân Trung quốc, hỏi tôi có nhận các bác sĩ trẻ Trung Quốc là học trò của bà sang học tập được không? Tôi hỏi ngược lai: Tại sao các BS này phải sang học tại Mỹ trong khi họ đã làm được tất cả các thủ thuật tim mạch? GS Wang trả lời: “Tôi muốn họ học hỏi cách tư duy của người Mỹ”. Tôi đồng ý. Có nhiều điều nên, cũng như có nhiều điều không nên học ở người Mỹ. Tính thực tế, cách tư duy trực diện giải quyết thẳng vào vấn đề và làm việc cật lực cho xong việc một cách hoàn hảo là những điều nên học ở người Mỹ.Người Mỹ làm việc nhiều, nhưng họ chơi hay tập thể thao cũng nhiều. Điều này rất quan trọng, bởi vì khi chơi hay tập thể thao, trí óc đựơc nghỉ ngơi, thư dãn và tái tạo để sau đó trở lại làm việc tốt hơn.

Nhưng làm thế nào để thăng bằng cuộc sống giữa sức ép của sự nghiệp, gia đình và tình cảm cá nhân?

Cuộc đời là một chuỗi đam mê.

Bác sĩ Sim Kui Hian, chủ tịch của Hội Tim mạch Malaysia nhiệm kỳ 2008-2009 sang thăm nhiều cơ sở y tế của Mỹ nhân chuyến nghỉ phép dài hạn mỗi 7 năm (sabbatical)của mình. Trong một email, ông ta phàn nàn về việc phải rời khách sạn lúc 6 giờ 30 sáng để bắt đầu cuộc hội chẩn lúc 7 giờ. Không có thời gian để ăn sáng và không bao giờ có thời gian để tán gẫu với nhau trong căng tin bệnh viện. Một ngày làm việc chỉ kết thúc lúc 6-7

giờ tối. Công việc ràng buộc tất cả mọi người, với nhiệm kỳ của trưởng khoa tim mạch là 2 năm. Trung quốc cũng đang áp dụng hệ thống nhiệm kỳ chỉ 2 năm này cho các trưởng khoa BV. Nếu người trưởng khoa không làm được việc như mong đợi, hay phát triển khoa phòng không khá, thi hợp đồng mới sẽ không được ký kết. Đó là lý do tại sao thế hệ thầy thuốc trẻ ở Mỹ làm việc rất căng khi chưa có gia đình. Khi có con nhỏ, thật khó mà đi xa, ngoại trừ Disneyland. Tuy nhiên, nhiều thầy thuốc phải làm như thế này khi có con nhỏ để có thời gian bên cạnh con cái: về nhà lúc 5 giờ chiều, ăn tối với con rồi trở lại làm việc. Có câu chuyện một bác sĩ trẻ, trở về nhà vào sáng sớm Chủ nhật bằng cửa bếp. Đứa con trai nhỏ chạy ra xem và chạy vào báo với mẹ là đang có người lạ trong bếp ! Từ dạo đó, người thầy thuốc trẻ phải cắt giảm thời gian làm việc để có nhiều thời gian hơn cho con cái.

Khi con cái qua tuổi lên mười, cha mẹ chúng lại càng bận rộn hơn cả tài xế taxi. Họ cần phải dẫn con cái tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, võ thuật, âm nhạc…

Nhiều vị trưởng khoa, những người được quyền sắp xếp lịch làm việc theo ý mình, đi làm buổi sáng, về nhà lúc 3 giờ chiều, chơi với con cái và quay lại làm việc lúc 5 giờ chiều để kết thúc công việc lúc 8 giờ tối.

Bước qua tuổi thiếu niên (trên 15 tuổi), cha mẹ thường cư xử với con cái mình như bạn. Trong một chuyến đi giảng dạy ở Busan, Hàn Quốc, bác sĩ Timothy Henry ở Minneapolis dẫn theo cậu con trai 16 tuổi. Ông ấy giới thiệu con trai mình với tôi và các đồng nghiệp khác như sau: “Đây là Tim Jr, bạn thân nhất của tôi”. Ở độ tuổi này, cha mẹ và con cái có thể trao đổi với nhau về các câu hỏi của cuộc sống, tình yêu, tình dục, sự nghiệp,tương lai như bạn bè, để con cái được thoải mái bộc lộ những vấn đề của chúng và cha mẹ có cơ hội giúp con cái mình một cách tốt nhất. Có thể đơn cử những ví dụ như giáo sư Eric Topol, Trưởng khoa tim mạch BV Cleveland (nay ở San Diego), hay giáo sư Kim Eagle,Trưởng khoa tim mạch của ĐH Michigan. Cả hai đều từ chối lời mời đi giảng dạy ở Trung Quốc cho đến khi con họ vào đại học. Khi con cái vào Đại học, các bậc phụ huynh là thầy thuốc phải làm việc căng hơn vì học phí rất cao (40.000 USD/năm). Vì vậy, năng suất làm việc rất cần cho những năm này.

Rồi một vài năm sau, nếu người bạn là thầy thuốc tim mạch của bạn biến mất tăm,có thể họ đang trải qua một cơn khủng khoảng của tuổi trung niên. Thêm vài năm nữa bặt vô âm tín, có thể là một hội chứng khác: Hội chứng lấy vợ lần 2. Người vợ trẻ thứ hai này cần một ngôi nhà mới, có hồ bơi với mái che hay thích những chuyến du lịch lãng mạn với nhiều thời lượng cần thiết cho việc gối chăn. Cho nên gã đàn ông tội nghiệp nọ phải làm việc cật lực hơn để được chia phần to hơn về thu nhập, đủ tiền chu cấp cho vợ trước và cho những nhu cầu vật chất của vợ sau.

Để xây dựng những ước mơ tinh thần và vật chất, đâu là chìa khoá đưa đến thành công?

Cuộc đời là một bản hoà tấu kéo dài:

Hiện tại, tôi nhận được nhiều lời mời giảng dạy ở Bắc Kinh (3/2008), Chicago (ACC) (3/2008) KualaLumpur (4/2008), Beograd (4/2008), Bangkok (6/2008), Hanoi,Shanghai, Beijing (10/2008) và Busan, Hàn quốc (12/2008). Đó là điều sung sướng và hãnh diện. Nhưng tôi sẽ nói điều gì? Những người tổ chức Hội nghị là những người khởi nghiệp 20 năm về trước. Giờ đây, họ là những chuyên gia. Nhiều người nay con giỏi hơn tôi. Tôi sẽ nói cái gì để lôi cuốn một hội trường đầy những nhà tim mạch học can thiệp. 4 năm trước, hai vị lãnh đạo ngành tim mạch học can thiệp ở Mỹ bị mất việc vì họ không nghĩ được điều gì mới mẻ. Nếu tôi không nghĩ được cái gì mới, có tính đột phá, gây động não và khả thi để áp dụng được, tất cả các lời mời thỉnh giảng, tham vấn, mời viết sách sẽ biến mất nhanh chóng trong vòng 12 tháng phù du.

Thành công bằng cách đặt câu hỏi đúng: 5 năm trước đây, trong dịp kỷ niệm 10 năm tôi đến Trung Quốc giảng dạy, tôi được một tạp chí y học Trung Quốc phỏng vấn: Sau khi làm việc 10 năm tại Trung Quốc, giáo sư có thể cho cộng đồng tim mạch Trung quốc một lời khuyên nào không? Tôi tự nhủ: Tôi là ai mà dám khuyên răn y giới Trung quốc. Tôi chỉ là một thầy thuốc tầm thường ở Indiana và ai cũng biết tôi sinh ở Hà nội, Vietnam (trong nước nào, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Việt Nam v.v. cũng có những người có mặc cảm tự cao nước lớn). Vì vậy, tôi đáp: Trong 10 năm qua, nhóm chuyên gia Mỹ đến Trung quốc để giảng dạy về điều trị và các thủ thuật mới. Sau 10 năm, các bác sĩ Trung quốc đã biết làm và làm rất tốt. Nên bây giờ chúng tôi đến không phải để mang theo lời giải, mà nói đến cách đặt câu hỏi. Nếu biết đặt câu hỏi đúng, bạn sẽ có câu trả lời đúng.Nếu đặt câu hỏi sai, bạn sẽ có câu trả lời sai. Đây là một ví dụ về cách nghĩ của người Mỹ:

Năm 1982, đối diện với AIDS, nhóm nghiên cứu ở Colorado đặt nghi vấn: Có phải AIDS là do vi trùng hay không? Họ đi tìm vi trùng, và đã thất bại. Trong khi đó, một nhà nghiên cứu ở Los Angeles lại đặt nghi vấn: Có phải AIDS là do virus, và tiến hành các thử nghiệm cấy virus. Tất nhiên, nhà nghiên cứu này đã mở đầu cho quá trình tìm ra virus là thủ phạm của AIDS.

Trước khi thành công, các thầy thuốc tim mạch cần gì? Ngoài một đầu óc thông minh, mọi người chúng ta còn phải có một trái tim đạo đức. Giáo sư Pamela Douglas, chủ tịch ACC 2005 đã từng hỏi tôi: Làm thế nào tôi đã thành công khi làm việc chung một cách hài hoà và lâu dài với các đồng nghiệp Trung Quốc, Việt nam, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật bản, Đài loan? Tôi trả lời: Chúng tôi làm việc với nhau dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức của Khổng giáo, Đây là 5 phẩm chất cơ bản phải có của mỗi một con người: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Chúng tôi thấm nhuần các tiêu chuẩn đạo đức này và trên tinh thần đó, chúng tôi có thể làm việc hài hòa và cùng nhau đạt đến thành công. Trước khi nghĩ đến thành công, các thầy thuốc tim mạch trên thế giới cần thành nhân đã.

 Có nên phô diễn những thành công của tôi không? Những thành công của tôi chỉ là những thành công nhỏ ở Mỹ. ACC có 33.000 bác sĩ tim mạch trong tổng số 500.000 BS ở Mỹ. Tất cả họ đều là những chuyên gia thành đạt. Những câu chuyện thành công chói sáng ở Hollywood, trong kinh doanh, trong công nghệ thông tin thì đầy dẫy ở Mỹ. Nhưng tại sao việc một thầy thuốc tim mach ở Hoa Kỳ, có thể kiếm được nhiều tiền hơn một giám đốc công ty kinh doanh hay tổng thống Mỹ (khoảng 400-500 ngàn dollars một năm trước khi trừ thuế), lại không được đưa tin trên báo chí? Lý do là người thầy thuốc đó không tạo thêm công ăn việc làm cho cuộc sống kinh tế của cộng đồng sở tại. Ngay cả khi tôi đã xây dựng thành công cái gọi là giấc mơ Mỹ, cũng chẳng phải là điều gì lớn lao để khoác lác.

Trong quá khứ, ngay hiện tại và trong tương lai bạn đọc có thể thấy nhiều người làm ra nhiều tiền hơn tôi, nổi tiếng hơn tôi và đóng góp cho xã hội nhiều hơn tôi. Vì vậy viết về thành công của tôi là không có giá trị. Thế thì tại sao tôi lại viết bài này theo lời mời của ban biên tập? Tôi xin (…hay phải van xin, ….he he) các bạn đọc Việt nam chú ý cách nghĩ, cách nhìn, cách đặt câu hỏi và cách giải quyết vấn đề và quên đi những thành công phù du của tôi. Những thành công trong tương lai của nhiều người (hay chính của tôi) sẽ làm mờ phai những điều tôi đang nói và làm hiện nay.

Một Mùa Xuân Mới cho Việt nam

Đến Hà nội năm 1994, tôi thấy BV Bạch Mai chưa có thiết bị chụp mạch vành. Làm sao có thể can thiệp mạch vành nếu không có thiết bị cơ bản này. Năm 1997, nhóm chuyên gia Mỹ do bác sĩ Stephen Osterle (Stanford U, Palo Alto CA), John Douglas (Emory U,Atlanta, GA) và Kenneth Kent (Wahsington Heart Center: WDC) đã thực hiện một số ca bệnh, đặt giá đỡ đầu tiên cho Việt Nam. 10 năm sau, các thầy thuốc Việt nam ở Hà nội, Huế, Sài gòn đã có thể đua tài được với tất cả các thầy thuốc tim mạch học can thiệp khác trên thế giới. Năm 1999, bác sĩ Ted Feldman, giám đốc Trung tâm thông tim ở ĐH Chicago,đến Việt Nam dạy về thủ thuật sửa van 2 lá bằng bóng nong. 4 năm sau, các thầy thuốc Việt Nam đã làm hơn 2000 ca với kết quả rất tốt và biến chứng rất thấp. Kết quả này làm nức lòng mọi người. Các thầy thuốc (giới trẻ) Việt Nam đã và sẽ làm việc tốt như bất kỳ thầy thuốc (giới trẻ) nào trên thế giới, kể cả các thầy thuốc (giới trẻ) Mỹ nếu các thấy thuốc (giới trẻ) Việt Nam có cơ hội và phương tiện để học tập và thực hành. Tuy nhiên, học tập là một quá trình không có hồi kết.

Trong bài bình luận về cuốn sách của tôi, giáo sư Gaia de Bouvigny viết: Những nhà tim mạch học (giới trẻ) ngày nay phải biết nói KHÔNG với chủ nghĩa giáo điều (dù trong xã hội, chính trị hay tôn giáo), hãy đi tìm đến tận ngọn nguồn bằng những suy tưởng thấu đáo, hãy nói KHÔNG với những câu trả lời giản đơn và sẵn có theo kiểu “mì ăn liền” mà phải biết cách tìm ra những câu trả lời trên cơ sở khoa học”.

Điều này đúng, không những ở Mỹ, châu Âu, châu Á, mà nó cũng đúng cho những người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đó cũng chính là lời ước mong nhỏ bé của tôi gởi đến tất cả bạn đọc Việt Nam (trong đó có tôi) nhân dịp xuân về.

Viết tại Lộc Gia Trang, (Wandering Deers Farm), Bang Ấn Thế An Na, Mỹ Quốc,

(Indiana, USA) để tặng hai cháu: Lê Đinh Phan Sinh và Lê Đinh Hoan Thiện, Lâp Xuân 2008

THẠCH NGUYỀN

HÀNH TRÌNH – BĂNG THANH


Biết bắt đầu như thế nào cho hành trình đi tìm cuộc sống bình thường của tôi nhỉ ???

Sau nhiều lần bị từ chối vì những lý do “tế nhị”, những lý do mà chính tôi là người trong cuộc cũng không biết phải tự giải thích như thế nào, tôi đành buông xuôi, chấp nhận cuộc sống mà nghiệp chướng đã dành cho tôi. Trăn trở, đau khổ, chỉ làm cho tôi thêm buồn, và làm trầm lặng thêm cuộc sống gia đình sau khi tôi mang trọng bệnh .

Một buổi trưa vắng lặng, nằm một mình trong căn nhà rộng thênh thang, căn nhà càng rộng hơn từ khi các con tôi đủ lông đủ cánh, bay đi về phương xa để tìm tương lai và hạnh phúc cho cuộc sống. Tôi như chơi vơi trong cõi mộng và thực tế của đời thường. Chiếc võng tôi nằm đong đưa, kêu lên những tiếng kẽo kẹt như than thân trách phận. Bất giác bàn tay tôi đụng vào chiếc túi hậu môn đeo bên cạnh mình. Tôi chợt ứa nước mắt, dù đã từ lâu, tôi vẫn thường tự nhủ mình rằng: không được khóc, phải vui mà sống, cho dù cuộc sống có nghiệt ngã với tôi thế nào đi nữa cũng phải gắng nở một nụ cười!!! Tôi đã cố gắng vui, cố gắng cười mỗi khi có thể, nhưng những nụ cười ấy có phản ánh đúng tâm trạng thật của tôi hay không, hay chỉ là ánh hào quang phồn vinh giả tạo? Nhưng rồi nước mắt vẫn cứ trào ra dù tôi cố ngăn lại.

Tôi với tay cầm chiếc điện thoại lên và tìm số của Bác Sĩ Phồn. Anh là huynh trưởng của Y Khoa Huế chúng tôi. Tiếng anh bên kia đầu dây vọng lại. Tôi ngập ngừng: Thưa anh, em là Băng Thanh đây!!! Tôi nghe tiếng anh như reo vui lên, làm cho tôi thêm can đảm: Băng Thanh hả, khỏe không? Tình trạng bệnh ra sao rồi? Đừng lo lắng, không sao đâu.

Tôi trả lời cho anh từng câu hỏi một và: Thưa anh, anh có thể giới thiệu em cho GS Văn Tần được không ạ? Anh trả lời ngay, không ngập ngừng: Được, được, cứ lên nhà anh lấy giấy giới thiệu nhé.

Lòng nhiệt thành của anh như chắp cánh cho tôi trong hành trình đi tìm một cuộc sống bình thường như hàng tỷ người trên trái đất, mà chỉ khi ai bị mất đi như tôi mới cảm thấy nó đáng quý đến như thế nào!!!

Cầm lá thư anh Phồn viết cho Giáo Sư Văn Tần với những lời lẽ chân tình nhất, nhưng tôi vẫn ngần ngại chưa dám đến văn phòng của ông. Cho đến một ngày, chồng tôi khuyến khích: Đừng bỏ qua những cơ hội nhiều khi chỉ đến với mình một lần trong đời. Em phải can đảm lên chứ. Lúc đó tôi mới sực tỉnh, và quyết định đến văn phòng của vị Giáo Sư Bác sĩ nổi tiếng của Sài Gòn.

Ông tiếp đón tôi với vẻ mặt ân cần như tiếp thêm sức cho tôi. Ông hỏi tôi về bệnh sử, tình trạng hiện tại của tôi, và nguyện vọng của tôi. Tôi trả lời: Thưa Thầy, nguyện vọng của em là xin Thầy đóng hậu môn nhân tạo, đưa ruột của em vào vị trí ban đầu. Còn những tổn thương trên gan thì xin Thầy cứ để yên vì em sợ sức khỏe của em không thể chịu đựng thêm. Ông từ tốn: Tôi cứ cho cô nhập viện đã, còn vấn đề đóng hậu môn nhân tạo được hay không còn tùy vào kết quả xét nghiệm nữa.

Vậy là sau một năm, tôi lại nhập viện lần thứ hai trong cuộc đời của mình…

Tôi nhập viện trong tâm tư hoang mang, nửa thì muốn, nửa thì không, vì tôi không biết nếu mổ lại lần nữa, tôi có thể chịu đựng được không, khi sức khỏe của mình đã sút giảm quá nhiều sau lần đại phẫu trước, và nhất là sau 7 lần hóa trị. Nhưng nếu không mổ được tôi lại càng buồn hơn. Tâm trạng phân vân ấy theo đuổi tôi suốt hai tuần nằm viện để xét nghiệm. Tôi phải nhiều lần tự nhủ mình rằng, lần nằm viện này cứ xem như lần kiểm tra sức khỏe, nếu tốt thì mổ đưa ruột trở về vị trí ban đầu, nếu xấu thì…

Tôi được GS Văn Tần và các BS học trò của ông chăm sóc tận tình và chu đáo. Các điều dưỡng và nhân viên trong khoa cũng ân cần đối với tôi nên cái cảm giác ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN của hai lần nằm viện trước gần như xóa nhòa bớt trong ký ức của tôi. Tôi có cảm giác sau hai lần rơi xuống 7 và 9 tầng địa ngục, lần này tôi thật sự trở về trần gian. Bs Tấn, một đồng nghiệp người Huế bật cười khi nghe tôi nói như vậy, nhưng hình như cảm thông hoàn toàn với ý nghĩ đó của tôi, vì ai đã từng sống và trải qua môi trường ở đây đều hiểu rõ như vậy.

Trải qua nhiều xét nghiệm, thử máu, kiểm tra chức năng thận và gan, siêu âm, chụp X Quang, ECG, siêu âm, CT scanner, nội soi ..v.v..và v.v.., tôi được chính thức báo tin lịch mổ của tôi vào ngày 3 tháng 10, nghĩa là gần 1 năm sau cuộc đại phẫu lần thứ nhất.

Ngày tôi chuẩn bị mổ, các bạn Y Khoa khóa 12 của tôi hẹn nhau tập trung tại BV để yểm trợ tinh thần cho tôi. Vĩnh, Huyền Vân và phu quân, cảm động hơn là Xuân Mai dù đang chăm sóc An, nhưng vẫn hẹn với tôi là sẽ có mặt để theo dõi, an ủi tôi. Vĩnh đến rất sớm và ngồi nói chuyện với chồng tôi. Tôi được đưa vào phòng mổ lúc 7 giờ sáng để cas mổ bắt đầu lúc 7g30. Lần phẫu thuật này tôi dấu tất cả vì tôi sợ làm phiền mọi người mất thời gian quý báu đi thăm viếng tôi. Chỉ một số rất ít bạn đồng môn biết được, vì chúng tôi thường thảo luận với nhau về bệnh trạng của tôi để tìm ra một phương án tốt nhất cho việc điều trị của tôi.

Cas mổ kéo dài 4 tiếng đồng hồ, mà sau này nghe chồng tôi nói lại tôi mới biết. Tôi được nằm phòng ICU thêm 12 tiếng nữa. Chồng tôi nói anh cứ như ngồi trên đống lửa vì không biết tình hình của tôi như thế nào. Khi tôi được đẩy ra phòng ngoài, nhìn những gương mặt thân yêu cúi xuống bên tôi mà nước mắt tôi trào ra. Rất mệt, rất đau đớn!!! Tôi chỉ biết diễn tả cảm giác của tôi lúc bấy giờ gói gọn vào mấy chữ ấy. Tôi thì thào với đứa con dâu: Chắc mẹ không sống nỗi quá. Dây nhợ trên mình tôi lòng thòng, phải đến 6, 7 sợi dây. Tôi cắn chặt răng để nén tiếng kêu rên vì đau đớn. Sốt li bì 3 ngày đêm không dứt , tôi chỉ biết thầm cầu nguyện, vì tôi sợ… Sợ tình huống xấu nhất xảy ra, tôi phải phẫu thuật lại… Lạy Trời, tôi không dám nghĩ đến…

Rồi đến ngày thứ 4, như một phép nhiệm mầu đến với tôi, tôi hết sốt, khỏe hơn. Chồng con tôi mừng rỡ, các bạn Huyền Vân và Vĩnh chúc phúc cho sức khỏe của tôi. Một số bạn khác được tin đến Bệnh viện thăm tôi đều ái ngại, vì sợ tôi không qua khỏi.

Vậy đó, vậy mà tôi đã vượt qua được!!! Nhờ GS Văn Tần, nhờ các BS đồng nghiệp ở BV, nhờ tình thương yêu vô bờ bến của chồng con, nhờ sự quan tâm của các bạn, một lần nữa, tôi lại vượt qua cửa ải khó khăn nhất trong hành trình đi tìm lại cuộc sống bình thường! Những ai có trải qua khổ đau này mới thông cảm và xẻ chia được. “Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc…”

Mười hai ngày sau khi mổ, tôi được phép xuất viện. Về đến căn nhà thân yêu, nơi tôi đã từng sống gần ba mươi năm qua, tôi bước thật chậm. Phần vì vết thương còn đau xé người, phần vì tôi muốn thu gọn tất cả những hình ảnh thương yêu, từng ngóc ngách trong ngôi nhà mang đậm kỷ niệm của một thời. Đặt mình xuống chiếc giường quen thuộc, tôi cắn chặt răng để không bật lên tiếng kêu rên vì đau đớn. Vết mổ quá dài, sự kết dính cũng giảm sút vì sức khỏe của tôi không như trước kia. Tôi nằm lì trên giường, vì mỗi lần di chuyển là mỗi lần rất đau đớn. Tôi chỉ cố gắng tự phục vụ mình về những nhu cầu cần thiết để tránh phiền phức đến người thân.

Ba tuần nằm nhà, được săn sóc về chuyên môn lẫn đời thường của chồng con, tôi dần dần bình phục. Tôi đã có thể cười nói, di chuyển chậm trong nhà. Tôi đón nhận ánh mắt vui mừng của chồng con. Các sinh hoạt thường nhật dần dần trở về với tôi, bình thường như bao nhiêu người khác, nhưng với riêng tôi, đó là món quà vô giá mà Thượng Đế đã ưu ái ban tặng lại cho tôi sau thời gian dài một năm trời ròng rã. Chiếc túi bên cạnh tôi không còn nữa, chỉ còn những vết sẹo đen sì, lồi lõm như những hố bom thời chiến tranh là chứng tích cho cuộc chiến không cân sức của tôi và căn bệnh nan y của thế kỷ.

Khi bắt đầu hồi phục, tôi nói với chồng con tôi rằng, ước nguyện của tôi là ra Huế thăm lại ngôi nhà thân yêu, thăm các em, và thăm cha mẹ, dù cha mẹ đã quy tiên. Chúng tôi thu xếp mọi công việc ở nhà, và anh đưa tôi ra Huế theo nguyện ước của tôi. Vừa về đến nhà, các em, các cháu tôi mừng rỡ chạy ra đón chào. Các em tôi ôm lấy tôi mà khóc òa. Tôi nức nở: Còn sống mà về thăm nhà, thăm các em như vậy đã là một may mắn lắm rồi.

Hình chụp với gia đình BS Ngô Quang Phong và Bs Văn Công Trọng cùng khóa 12 YKH

Với các bạn Đồng Khánh Huế

Chồng tôi chiều theo ý muốn của tôi, lần về Huế này tôi ghé thăm những người bạn cùng cảnh ngộ với tôi là PL và VCT, nhìn các bạn tôi cố kềm những giọt nước mắt chực trào ra. Chỉ những người trong cuộc như chúng tôi mới cảm thông hết những đau khổ, những oan trái mà chúng tôi đã, đang và sẽ trải qua.

Với BS Lê Quang Thông và các bạn YKH khóa 12 ở Đà Nẵng

Tôi cũng ghé Đà Nẵng thăm HTP, để an ủi, để yểm trợ tinh thần cho cô bạn đồng nghiệp và đồng môn này. P hứa với tôi, sẽ lạc quan để sống, để sẽ vào Sài Gòn thăm tôi…Tôi ôm cô bạn vào vòng tay mà ngậm ngùi. Thương sao là thương!!!

Chuyến đi thật tốt đẹp. Tình gia đình, gia tộc đậm đà nghĩa tình, tình bằng hữu thăng hoa. Tôi được các bạn ở Huế như Phong, như Lộc, như Đức, Mỹ, Hạnh, Chi, Thủy, Huệ… tiếp đón ân cần. Tôi được các bạn ở Đà Nẵng niềm nở, chu đáo. Cám ơn Lê Quang Thông và phu nhân đã dành trọn những gì ưu ái nhất để đón vợ chồng tôi trong chuyến đi vừa qua. Không thể nào quên những ân tình đó. Những ân tình sẽ đi vào tiềm thức của tôi, trú ngụ trong quả tim và khối óc của tôi, để mỗi khi nhớ về, đó là những động lực để tôi chiến đấu dành lấy sự sống của mình. Tạ ơn Trời, cám ơn cuộc đời đã cho tôi hương hoa và mật ngọt, sau khi tôi nếm trải cay đắng, khổ đau…

Tháng 11 năm 2012

BS MAI BĂNG THANH